Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ vào ngày 15/7/2021 xem xét giải quyết những vướng mắc, vấn đề tồn đọng kéo dài liên quan đến dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Năm 2021- năm đầu tiên của nhiệm kỳ, cùng với việc ứng phó tình hình dịch bệnh diễn biến cực kỳ phức tạp và triển khai các giải pháp để duy trì, phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Chính phủ còn hết sức quan tâm xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc tồn đọng, lâu dài. Trong đó có Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 - một trong 12 dự án yếu kém ngành công thương.
Vào thời điểm khởi công (2011), dự án được kỳ vọng là một trong những dự án năng lượng trọng điểm, góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu điện đang tăng bình quân 14%/năm của nền kinh tế xã hội nước ta (giai đoạn 2011-2015), góp phần bảo đảm cung cấp điện an toàn và kinh tế cho khu vực đồng bằng sông Hồng, giảm sự phụ thuộc vào nguồn thủy điện, đặc biệt vào mùa khô và các năm cạn kiệt nước. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, vì nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan, dự án vẫn chưa thể hoàn thành.
Với tổng vốn gần 42.000 tỷ đồng, chỉ tính lãi suất, mỗi ngày dự án chậm tiến độ là thiệt hại hàng tỷ đồng, chưa kể thiệt hại về chi phí cơ hội. Tình hình dự án khiến lãnh đạo Chính phủ lo lắng. Chiều 15/7/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ xem xét giải quyết dứt điểm những vướng mắc, vấn đề tồn đọng kéo dài liên quan đến dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Thủ tướng đã kết luận: Phải sớm đưa dự án vào khai thác, sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực của Nhà nước, tiền của công sức của nhân dân đã bỏ ra. Dự án thua lỗ, yếu kém này gây bức xúc trong nhân dân. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp xử lý kịp thời, có hiệu quả các tồn đọng, vướng mắc của dự án theo thẩm quyền.
Trong vòng 5 tháng qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã 3 lần đi kiểm tra thực địa, giao ban về tiến độ dự án - Ảnh: VGP/Đức Tuân |
Sau đó hơn 1 tuần, ngày 23/7, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng đoàn công tác đã trực tiếp xuống kiểm tra thực địa và giao ban tại công trường về tiến độ dự án. Phó Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, các việc cũ liên quan sai phạm thì đã giao các cơ quan kết luận, làm rõ. Việc cần làm là tiếp tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành, đưa dự án vào vận hành trong năm 2022. “Dự án không thể chậm tiến độ thêm nữa”, Phó Thủ tướng nêu rõ: Kiên quyết xử lý, thay thế các nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu năng lực, vi phạm quy định và cam kết trong hồ sơ dự thầu và hợp đồng.
Hơn 1 tháng sau (ngày 4/9), Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trở lại kiểm tra dự án. Tiến độ đã tăng lên rõ rệt so với lần kiểm tra trước. Tổng Giám đốc đơn vị tổng thầu đã được thay thế, hàng loạt cán bộ có chuyên môn cao được điều chuyển về để tăng cường. Lúc này, sự lo ngại “không hẹn ngày về” đã tan biến. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đặt ra mốc, phấn đấu hòa lưới điện vào ngày 30/4/2022 thay vì đầu tháng 6/2022 như mục tiêu của PVN đặt ra, bởi nhà máy hoạt động sớm mỗi ngày là tiết kiệm hàng chục tỷ đồng. “Tôi sẽ sát cánh cùng các đồng chí, không để các đồng chí làm một mình, chịu trách nhiệm một mình”, Phó Thủ tướng động viên cán bộ, công nhân thi công dự án.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành xem đồng hồ đếm ngược thời gian hoàn thành dự án tại trụ sở Ban quản lý dự án (tháng 9/2021) và khẩu hiệu: Mỗi ngày đưa nhà máy vào hoạt động sớm, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng - Ảnh: VGP/Đức Tuân |
Những ngày này, dù vào dịp Tết, dự án vẫn rộn ràng thi công. Có ngày, trên công trường huy động tới 459 người làm việc. Hiện nay, trên công trường, đồng hồ đếm ngược đến ngày khánh thành đã được lập ra. Một khẩu hiệu mới đã được đặt ngay lối vào trụ sở Ban Quản lý dự án: “Mỗi ngày vào sớm tiết kiệm hàng chục tỷ đồng” và trong hội trường, nơi tiến hành giao ban hằng ngày, là khẩu hiệu “One team, one goal” (Một tập thể, Một mục tiêu). Tiến độ đã được lấy lại gần như cơ bản. Dự án đã khởi động đốt lửa lò hơi phụ, đóng điện hệ thống nước làm mát, chạy thử nhiều hạng mục... tiến tới về đích đúng cam kết. Sự quan tâm, chia sẻ, “ghé vai” của Chính phủ, các bộ, ngành đã mang lại khí thế mới cho dự án.
Tại cuộc kiểm tra và giao ban của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại công trường dự án vào ngày cuối năm 2021 (26/12), các đơn vị báo cáo, đã cơ bản khắc phục tồn đọng tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2; có thể hòa lưới điện tổ máy 1 vào ngày 30/4/2022. Phấn đấu đốt than lần đầu vào ngày 16/6/2022 và phát điện thương mại tổ máy số 1 vào 30/11/2022, phát điện tổ máy số 2 vào 31/12/2022.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 bao gồm 2 tổ máy, tổng công suất thiết kế 1.200 MW, khi vận hành sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 6,7 tỷ kWh điện mỗi năm, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia |
Với sự quan tâm, quyết liệt ủng hộ và sát sao từ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, lãnh đạo Ban Quản lý dự án, chuyên gia giám sát, tư vấn đến các nhà thầu, công nhân, người lao động đã thể hiện quyết tâm cao nhất, ngày ngày bám công trường, đáp lại niềm tin của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, chủ đầu tư dự án, cũng thể hiện rõ quyết tâm, bố trí đầy đủ nguồn lực cho dự án; giao ban hằng tuần về tiến độ thực hiện dự án. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, sẽ theo dõi sát sao, tiếp tục kiểm tra định kỳ đối với dự án trọng điểm này.
Từng có thời điểm, không ít người hoài nghi, nói về dự án này rằng “làm bằng… niềm tin” với hàm ý về việc bất khả thi, viển vông. Nhưng đến hôm nay, niềm tin đã trở lại, với cơ sở rõ ràng, dự án sẽ không lỡ hẹn nữa. Có niềm tin, có đoàn kết, quyết tâm, có đổi mới, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, chắc chắn công việc sẽ tiến lên phía trước, “biến cái không thể thành có thể”.
Đức Tuân