• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Tự soi mình theo Nghị quyết Trung ương 4 để liên hệ, kiểm điểm, khắc phục

(Chinhphu.vn) - Vì sinh mệnh chính trị của Đảng, vì sự nghiệp đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, các cấp ủy đảng từ Trung ương đến cơ sở và từng đảng viên phải thật tâm soi mình vào những biểu hiện suy thoái mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra để liên hệ, kiểm điểm, khắc phục.

10/11/2016 11:09

PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn. Nguốn ảnh: VOV

Trong  hơn 30 năm đổi mới - từ Đại hội VI của Đảng đến nay, không có nhiệm kỳ nào Trung ương không có nghị quyết về xây dựng Đảng, về đổi mới chỉnh đốn Đảng.

Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” xác định nhiệm vụ cấp bách nhất trong ba nhiệm vụ cấp bách là, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng đã tạo được những chuyển biến tích cực, góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy Nhà nước.

Trong khi đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. 

Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đề ra yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng với 10 giải pháp cơ bản, trong đó nhấn mạnh phải kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, với trọng tâm là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Coi đó là nhiệm vụ đầu tiên trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong suốt nhiệm kỳ.

Theo đó, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) khẳng định quyết tâm của toàn Đảng trong công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, đạo đức.

Để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, đáp ứng một lần nữa kỳ vọng của nhân dân, ngoài 4 nhóm giải pháp mà Trung ương đưa ra cần phải thực hiện đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả thì phải xác định rõ hơn trách nhiệm của các chủ thể (tổ chức đảng, đảng viên).

Trên cơ sở 4 nhóm giải pháp theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), có thể xác định nhiệm vụ rõ hơn và cụ thể hơn cho từng chủ thể như sau:

Cấp ủy thể hiện vai trò lãnh đạo từ lý luận đến thực tiễn

Lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức trong toàn Đảng về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo đó, cần chỉ đạo, quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đi vào nền nếp. Như thực hiện Quy định 54-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về chế độ học tập lý luận trong Đảng bảo đảm đúng đối tượng (kiên quyết không chấp nhận ngoại lệ), phải bằng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cụ thể, rõ ràng về đối tượng đi học, cấp học, nơi học, ai trong quy hoạch đi trước, ai đi sau, công khai kế hoạch đó đến từng cấp ủy, cơ quan, đơn vị để không ai “chạy” đi học và cũng không ai có thể “trốn” hay “nợ”đi học được.

Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị với kế hoạch cá nhân cụ thể về phong cách làm việc, thiết thực, công khai trước tập thể cơ quan, đơn vị và quần chúng trong cơ quan, đơn vị.

Cùng với đó là chú trọng xây dựng hệ thống chuẩn mực các mối quan hệ của cán bộ, đảng viên với tổ chức đảng và với nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chúng ta phải hiểu rằng các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến làng, đều là công bộc của dân, chứ không phải đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân, thì dân mới yêu ta, kính ta”1.

Lãnh đạo thông qua tổ chức bộ máy quản lý, tổ chức đảng, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt trong các cơ quan báo chí để chấn chỉnh hoạt động báo chí, xuất bản, internet, mạng xã hội, đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Hoàn thiện quy chế về kỷ luật phát ngôn đối với cán bộ, đảng viên, chủ động định hướng, cung cấp thông tin tuyên truyền cho các cơ quan thông tin đại chúng.

Đồng thời, chủ động chuẩn bị các phương án, biện pháp cụ thể, sát với tình hình; xây dựng lý luận sắc bén để đấu tranh, phản bác có hiệu quả đối với các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân, có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu.

Lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, điều hành bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần xóa bỏ cơ chế "xin - cho", "duyệt - cấp"; ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm", "sân sau", trục lợi trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, vốn đầu tư, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, phân bổ, quản lý và sử dụng biên chế...

Tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, chuyển mạnh từ thanh toán tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt. 

Lãnh đạo thực hiện đúng mục tiêu, có hiệu quả việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cải cách chế độ công vụ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đổi mới chính sách tiền lương. 

Đẩy mạnh xã hội hóa, tách cung ứng dịch vụ công và quản lý sản xuất kinh doanh ra khỏi chức năng quản lý nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước. 

Đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng. Hoàn thiện quy định về tổ chức, bộ máy và công tác bảo vệ chính trị nội bộ; bảo đảm sự trong sạch về chính trị trong nội bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược.

Cơ quan đề xuất đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải tiến hành thẩm định, xác minh, đánh giá tính trung thực của việc kê khai tài sản, thu nhập và công khai theo quy định. 

Phải coi tự phê bình và phê bình như việc “rửa mặt hằng ngày”

Đối với các đảng bộ, chi bộ, cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Xây dựng quy định tự phê bình và phê bình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tự phê bình và phê bình trong Đảng như việc “rửa mặt hằng ngày”. Người đòi hỏi phải “quét sạch”, phải “tẩy bỏ”, phải “đánh bại giặc nội xâm”, “căn bệnh gốc, bệnh mẹ đẻ ra trăm thứ bệnh con, xấu xa, hư hỏng, lỗi thời” của con người.

Khắc phục ngay tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm “thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh”. Thái độ phê bình phải thẳng thắn, chân thành, vì sự phát triển của tổ chức và sự tiến bộ của người được phê bình như Bác Hồ đã dạy: “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được” 2.

Trong trường hợp cần thiết, cấp trên gợi ý kiểm điểm và trực tiếp dự, chỉ đạo ở những nơi có vấn đề phức tạp, nơi có biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Hoàn thiện quy chế đánh giá cán bộ một cách khoa học, phù hợp; quy định lấy phiếu tín nhiệm ở các cấp, các ngành định kỳ hoặc đột xuất. 

Khắc phục tình trạng quan liêu, xa dân, cải tiến phong cách làm việc, khắc phục ngay tình trạng ăn uống, chè chén, "liên hoan", "gặp mặt" không lành mạnh, với động cơ không trong sáng; chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, rèn luyện phong cách làm việc khoa học, cụ thể, sâu sát cơ sở cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp

Rà soát, kiểm tra, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm trong thực thi quyền lực gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ngay từ cơ sở. 

Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; cán bộ, đảng viên vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng. Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên; đồng thời, tiến hành rà soát, sàng lọc và đưa ngay những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng. 

Thực hiện nghiêm túc chủ trương sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế của cơ quan, đơn vị; việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định; có trách nhiệm giải trình việc tăng giảm tài sản khi được kiểm tra, giám sát.

Lấy niềm tin của nhân dân làm căn cứ đánh giá cán bộ

Đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cần có chế tài xử lý kỷ luật đảng viên không chịu đi học lý luận chính trị, lấy lý do cá nhân để không đi học các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức. Chỉ khi đó, mới có thể nhận diện được kẻ “lười học tập cũng là biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị”, góp phần đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đối với đảng viên người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng đơn vị cần thực hiện nghiêm túc quy định về trách nhiệm nêu gương bằng việc cam kết và thực hiện đúng cam kết trong hoạt động của mình. Phải tạo sự chuyển biến về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, kết quả phòng chống tham nhũng trong tập thể, cơ quan, đơn vị. Lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân làm căn cứ đánh giá cán bộ lãnh đạo.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất để tiếp nhận thông tin, lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân, nhất là những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên; có hình thức xử lý đối với những tổ chức, cá nhân có chỉ số hài lòng thấp. 

Hằng năm hoặc khi chuẩn bị đề bạt, luân chuyển, điều động công tác đối với cán bộ, tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại tổ chức và cán bộ, đảng viên là chương trình hành động của tập thể và cá nhân; kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; kết quả thực hiện cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; tự phê bình và phê bình; sự nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý; hiệu quả đấu tranh, khắc phục suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". 

Thực hiện đầy đủ trách nhiệm người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác cán bộ dưới quyền để kiểm điểm khi có dấu hiệu vi phạm hoặc chậm trễ, trì trệ, kém hiệu quả trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; đồng thời, xem xét tư cách đảng viên và phối hợp với các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn hành vi bao che, cản trở, gây khó khăn trong xử lý hoặc có dấu hiệu bỏ trốn. 

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức đảng phải chịu trách nhiệm nếu không kịp thời phát hiện hoặc phát hiện mà chậm xử lý đối với các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". 

Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng

Thực hiện có hiệu quả Quyết định số 217-QĐ/TW về quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quyết định số 218- QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị quy định về việc Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. 

Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, của nhân dân, báo chí và công luận trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Trước mắt, tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm những vấn đề bức xúc của nhân dân. 

Cơ quan quyền lực đại diện của nhân dân là Quốc hội và HĐND các cấp phải phát huy tốt vai trò ban hành các chính sách, pháp luật của Nhà nước xuất phát từ nguyện vọng chính đáng, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. 

Xây dựng và thực hiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". 

Vì sinh mệnh chính trị của Đảng, vì sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” các cấp ủy đảng từ Trung ương đến cơ sở và từng đảng viên phải thật tâm soi mình vào những biểu hiện suy thoái mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra để liên hệ, kiểm điểm, khắc phục.

Đó cũng là việc làm thiết thực để thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng ta là Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”3.

PGS. TS Nguyễn Minh Tuấn

(Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chi Minh)


1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà nội 2002, t.4, tr 56-57.

2 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 668

3 Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, t.12, tr.510./.