Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. |
Bộ đội vận tải Trường Sơn với lực lượng nòng cốt là Sư đoàn ô tô 571 và Sư đoàn ô tô 471 có nhiệm vụ vận chuyển vật chất bảo đảm cho các hướng chiến trường theo kế hoạch, vừa cơ động bộ binh theo yêu cầu tác chiến và triển khai thực hiện những nhiệm vụ đột xuất.
Cùng với cả nước bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh dốc hết lực lượng và quyết tâm cho chiến dịch mang tên Bác. Từ khi đang dồn sức chuẩn bị cho chiến dịch Tây Nguyên, ngày 26/2/1975, Tướng Đồng Sỹ Nguyên đã điều gần 400 xe của Sư đoàn 571 cơ động gấp Sư đoàn 341 Quân khu 4 từ Vĩnh Linh và Nam Bộ bổ sung cho Quân đoàn 4. Sau 12 ngày kể từ lúc xuất phát, toàn bộ đội hình Sư đoàn 341 đã vượt 1.200 cây số đường Trường Sơn vào vị trí quy định. Thắng lợi này mở ra khả năng cơ động đội hình quân đoàn vào chiến trường tham gia chiến dịch hiệp đồng binh chủng quy mô lớn.
Vào những ngày đang tập trung phục vụ giải phóng Huế-Đà Nẵng, Binh đoàn Trường Sơn nhận lệnh đột xuất của Bộ Tổng Tư lệnh sử dụng một lực lượng lớn ô tô cơ động gấp Quân đoàn 1, Quân đoàn 3 vào tham gia giải phóng Sài Gòn và chuyển một khối lượng lớn đạn pháo tầm xa vào Nam Bộ. Cơ hội để bộ đội Trường Sơn thử sức đã đến.
Tướng Đồng Sỹ Nguyên trực tiếp vào giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Sư đoàn 571 tập trung 1.000 xe phối hợp với lực lượng vận tải ô tô của Cục Vận tải Tổng cục Hậu cần cơ động Quân đoàn 1 từ Ninh Bình, Vĩnh Linh vào Đồng Xoài. Chậm nhất là ngày 24/4/1975 Quân đoàn 1 phải có mặt ở vị trí tập kết chiến dịch.
Nhận lệnh gấp, nhiệm vụ hết sức nặng nề, trong khi phần lớn xe của sư đoàn đang phân tán đi nhận nhiệm vụ ở các chiến trường nhưng Sư đoàn trưởng và Chính ủy sư đoàn rất tự tin, hứa thu quân ngay để thực hiện nhiệm vụ.
Đến ngày 19/4/1975, toàn bộ đội hình Quân đoàn 1 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh đã tập kết đủ ở Đồng Xoài, Lộc Ninh trong vòng 20 ngày, một sư đoàn huy động hơn 1.000 đầu xe, cơ động gọn đội hình quân đoàn binh chủng hợp thành với trang bị khí tài mạnh, vượt 1.200 cây số đường Trường Sơn, tới đích sớm hơn 6 ngày so với thời gian quy định. Đây thực sự là một chiến công, một kỳ tích của bộ đội vận tải Trường Sơn.
Cùng với chỉ đạo, tổ chức Sư đoàn 571 cơ động Quân đoàn 1, đầu tháng 4, Bộ Tư lệnh giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 471 cơ động toàn bộ Quân đoàn 3 từ Tây Nguyên vào Nam Bộ và chuyển hơn 6.000 tấn đạn pháo “theo lưng” bộ đội vào phục vụ chiến dịch.
Làm một phép tính đơn giản, để cơ động đội hình quân đoàn đủ biên chế với biết bao khí tài trang bị ít nhất cũng cần 1.500 xe. Đã qua gần trọn mùa khô “tổng công kích”, hoạt động với cường độ cao nên xe không khỏi xuống cấp và người thì xuống sức. Không còn phương cách nào hơn, Bộ Tư lệnh 471 phát lệnh thu quân, dồn dịch đội hình, thiếu xe thì thì tập trung thợ sửa chữa, thiếu phụ tùng thì chia nhau theo các trục đường tháo các xe hỏng để mang về lắp ráp. Bằng mọi cách, nỗ lực hết mình, Sư đoàn 471 cũng có đủ đầu xe. Tất cả lại hòa cùng dòng xe, dòng người cuộn chảy. Núi rừng Trường Sơn rùng rùng chuyển động theo bánh xe lăn. Những lực lượng xe, pháo cơ động trên đường như nước chảy đã gây ách tắc cục bộ. Tại đèo Ấm Pun trên đường ngang 88 qua cao nguyên Bu Prăng ách tắc. Thời điểm gay cấn nhất, xe, pháo dồn lại chừng 4-5 cây số.
Trong thế nước sôi lửa bỏng, ta đang chạy đua với thời cơ từng giây, từng khắc, cũng đồng thời chạy đuổi với mùa mưa đang sắp gõ cửa, được tin từ trong tuyến báo về, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên điện ngay cho Tư lệnh sư đoàn 471 Phạm Thái và Chính ủy sư đoàn Nguyễn Văn Lạn: Bám đường đèo, hiệp đồng chỉ huy giao thông hai đầu chân đèo thật tốt và tập trung mọi cố gắng giải tỏa ngay ách tắc, bằng mọi giá không để chậm bước tiến của Quân đoàn 3.
Tuy có khó khăn, nhưng do cung độ hành quân ngắn hơn Sư đoàn 571, nên chỉ 10 ngày đầu tháng 4, Sư đoàn 471 đã cơ động toàn bộ đội hình Quân đoàn 3 và Sư đoàn 2, Sư đoàn 3B Khu 5 vào Lộc Ninh đúng thời gian gian quy định.
Để đảm bảo cho các quân đoàn hành quân thần tốc, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã tung hết lực lượng công binh cho mặt trận cầu đường.
Ngày 7/4/1975, Sở chỉ huy cơ bản và Sở chỉ huy tiền phương Bộ Tư lệnh Trường Sơn nhận được điện tối khẩn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!”.
Chỉ 2 ngày sau khi nhận điện của Đại tướng, 669 xe của Sư đoàn 571 dàn đội hình từ nam đèo Hải Vân vào tới sân bay Đà Nẵng, tổ chức tiếp nhận các lực lượng của Quân đoàn 2 chờ lệnh xuất phát. Thành xe, cửa buồng lái, vành mũ người chiến sĩ giải phóng sáng trắng khẩu hiệu: “Thần tốc-Táo bạo- Tất thắng”.
Trên hướng tiến của cánh quân Duyên Hải, thuận lợi lớn là đường tốt; nhưng cản trở lớn là ngoài các tuyến phòng thủ của địch thì nhiều cầu cống quan trọng đã bị chúng phá hỏng hòng cản bước tiến của ta.
Ý thức được khó khăn về bảo đảm giao thông trên đường số 1, với cương vị Phó Tư lệnh cánh quân Duyên Hải và Tư lệnh bộ đội Trường Sơn, Tướng Đồng Sỹ Nguyên toàn quyền cho các đơn vị công binh được lấy dầm cầu và vật tư thiết bị trong các kho của địch mà ta vừa chiếm được, sử dụng kịp thời khắc phục những cầu cống bị địch phá hỏng, quyết không để bánh xe ngừng quay.
Mặc dầu sau khi Mỹ rút, tướng tá Ngụy có lúc đã hô hào binh sĩ “đánh theo kiểu con nhà nghèo” nhưng nguồn vật chất ta thu được ở Buôn Ma Thuật, Huế, Đà Nẵng… không phải là ít: Máy bay, tăng-thiết giáp, súng pháo, đạn pháo… Hấp dẫn nhất đối với bộ đội vận tải là xe ô tô; với công binh cầu đường là cầu belay (những khung cầu thép lắp sẵn). Nguồn vật chất mới tạo cho hỏa lực và sức cơ động của các binh đoàn chủ lực của ta tăng lên rất nhiều.
Trên hai hướng tiến quân – đường số 1 và đường Trường Sơn, đây là lần đầu tiên trong lịch sử của mình, công binh Trường Sơn được tung hết trí lực, vật lực bảo đảm cho cùng một lúc ba quân đoàn binh chủng hợp thành hành quân thần tốc đường dài.
Dốc toàn lực, sử dụng tối đa khí tài tận thu của địch, huy động nhân tài, vật lực trong nhân dân và triệt để khai thác số xe do Cuba trợ giúp, công binh Trường Sơn đã khôi phục kịp thời gần 100 chiếc cầu trên các trục đường, bảo đảm được tốc độ hành quân của bộ binh, cơ giới, binh khí kỹ thuật.
Có xe, cầu, đường tốt chưa đủ. “Thần tốc, thần tốc hơn nữa” lúc này còn là nhịp đạp của con tim những người lính xăng dầu, thông tin, phòng không, giao liên… trên đường Trường Sơn!
Sau 18 này, vượt hơn 1.000 cây số xuyên qua ba quân khu, đập tan các cụm phòng ngự của địch ở Phan Rang, Phan Thiết, Hàm Tân… được sự hỗ trợ của công binh Trường Sơn khắc phục hàng chục cầu lớn bị phá hỏng, ngày 21/4/1975, cánh quân Duyên Hải tràn đầy dũng khí tiến qua thị xã Xuân Lộc còn nghi ngút khói lửa vào tập kết ở rừng cao su Ông Quê.
Như vậy, trên cả hai hướng tiến quân, đường Trường Sơn và đường số 1, các lực lượng binh chủng của Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Lực lượng vận tải trên Đường chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh - huyết mạch nối liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. |
Sáng 30/4, từ nhiều hướng, các quân đoàn 1, 2, 3, 4, Đoàn 232 đồng loạt tiến công dũng mãnh vào nội đô Sài Gòn, lần lượt đánh chiếm, làm chủ những mục tiêu trọng yếu.
Đúng 11h 30 ngày 304/1975, Trung đoàn bộ binh 66, Lữ đoàn 203 xe tăng tiến công làm chủ Dinh Độc lập, Tổng thống Dương Văn Minh cùng hầu hết những nhân vật chủ chốt nội các chính quyền Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện.
Điện từ Bộ Tư lệnh chiến dịch, điện từ đại diện Bộ Tư lệnh Trường Sơn báo về. Radio lớn bé bật hết cỡ, truyền đi bản tuyên bố đầu hàng không điều kiện của Dương Văn Minh. Tin vui dồn nén đến nghẹt thở!
Vào giờ phút vô cùng thiêng liêng ấy, trong lòng Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên tràn ngập bóng dáng đoàn “Tuấn mã Trường Sơn”, những người lính Trường Sơn làn da dãi dầu nắng gió, quân phục nhuốm đỏ bụi đường chở quân tiến công dũng mãnh, cùng lực lượng đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2 làm chủ Dinh Độc lập, hang ổ cuối cùng của địch.
Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Các lực lượng bộ đội Trường Sơn tham gia chiến dịch đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vô cùng quan trọng là bảo đảm cầu đường, bảo đảm hậu cần-kỹ thuật và đặc biệt là đã cơ động các binh đoàn chủ lực đánh địch trong hành tiến, thần tốc vượt lộ trình hàng nghìn cây số, kịp thực hiện chiến dịch hiệp đồng binh chủng quy mô lớn nhất trong lịch sử chiến tranh giải phóng của dân tộc ta.
Phương Liên