• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Từng bước khôi phục vận tải sau thời gian giãn cách xã hội

(Chinhphu.vn) - Phương án tổ chức giao thông sẽ được lấy ý kiến của các bộ, ngành và địa phương. Sau khi thống nhất, Bộ GTVT đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai theo nguyên tắc chung, không gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch.

16/09/2021 10:33

Cần ngăn chặn quyết liệt việc các phương tiện lợi dụng giấy nhận diện ưu tiên (mã QR) để chở người và hàng hóa trái phép. Ảnh minh họa
Tháo gỡ lưu thông cho sản xuất nông nghiệp


Đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và các ngành chức năng, hoạt động vận tải phục vụ ngành nông nghiệp cơ bản thuận lợi. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp lại gặp phải vướng mắc mới phát sinh trong việc tái đàn chăn nuôi để duy trì sản xuất.

Cụ thể, tại 14 tỉnh Đông Nam Bộ và ĐBSCL, Lâm Đồng và Quảng Ngãi, việc vận chuyển heo và tinh heo đang khó khăn do các địa phương yêu cầu phải vận chuyển bằng ô tô. Trong khi đó, vận chuyển tinh thể heo khối lượng không lớn, nếu phải vận chuyển bằng ô tô thì chi phí rất cao.

"Ngành nông nghiệp đề nghị, các địa phương cần xem xét, tạo điều kiện cho công tác vận chuyển tinh thể heo bằng xe máy để bảo đảm tính linh hoạt, dễ tiếp cận chuồng trại, phục vụ công tác tái đàn”, đại diện Cục Chăn nuôi đề xuất.

Đại diện Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, trong tuần qua, giao thông cả nước cơ bản ổn định, không xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có xảy ra ùn ứ tại một số chốt kiểm soát do địa phương áp dụng quy định chưa thống nhất với chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ GTVT. Khi nhận được phản ánh, Tổ công tác đặc biệt của Bộ GTVT khu vực phía nam đã trực tiếp xuống hiện trường và có văn bản đề xuất với địa phương để tháo gỡ cho lưu thông hàng hóa.

Vụ Vận tải cũng cho biết, vẫn còn tình trạng một số địa phương chưa thống nhất theo hướng dẫn của Bộ Y tế về việc sử dụng kết quả test nhanh hay PCR cho lái xe, chưa thống nhất về thời gian hiệu lực của giấy chứng nhận xét nghiệm. Thêm vào đó, vẫn có hiện tượng lợi dụng phương tiện đã được cấp QR code để chở người, hàng hóa không đúng với đăng ký để trốn tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng.

Hà Nội, TPHCM lên kịch bản nới hoạt động vận tải sau giãn cách

Sở GTVT TPHCM cho biết, từ nay đến cuối tháng 9, Thành phố vẫn giữ nguyên các biện pháp giãn cách xã hội. Từ 1/10, căn cứ vào tình hình thực tế, việc kiểm soát dịch bệnh có thể tạm thời chia làm 3 giai đoạn: Từ 1-31/10, từ 1/11/2021-15/1/2022 và sau ngày 15/1/2022.

Hiện, Sở GTVT TPHCM đang xây dựng dự thảo về tổ chức giao thông từng giai đoạn và tiêu chí an toàn phòng chống dịch trong lĩnh vực vận tải. Sở cũng tổng hợp danh sách các lái xe vận tải để chuyển cho Sở Y tế, Sở TT&TT phối hợp triển khai cùng các địa phương tổ chức tiêm vaccine.

Tại TP. Hà Nội, ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của các cơ quan chức năng, đơn vị này đang tập trung xây dựng phương án mở lại các loại hình vận tải hành khách công cộng và liên tỉnh theo từng giai đoạn, phù hợp với các quy định về kiểm soát dịch bệnh theo các hướng dẫn liên quan của Bộ GTVT và Bộ Y tế.

Công an TP. Hà Nội đang xây dựng triển khai hệ thống camera quét mã tự động tại 23 chốt kiểm soát để nâng cao hiệu quả kiểm soát dịch bệnh, kịp thời phát hiện các trường hợp không đủ điều kiện lưu thông.

Thống nhất phương án tổ chức vận tải trong tình hình mới

Liên quan đến vướng mắc của ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhìn nhận, đây là một trong những tình huống phát sinh trong đời sống xã hội, tổ chức sản xuất tại các địa phương.

"Vấn đề này thuộc thẩm quyền của địa phương. Bộ NN&PTNT cần có chỉ đạo các Sở NN&PTNT chủ động phối hợp với Sở Y tế, Sở Công Thương và Sở GTVT để trao đổi, tham mưu giải pháp cho UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng đặc thù nhưng có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì chuỗi sản xuất và tiêu thụ", Thứ trưởng nói.

Trong bối cảnh các địa phương đang chuẩn bị kịch bản nới lỏng giãn cách và các quy định phòng chống dịch, Bộ GTVT giao các cơ quan trực thuộc xây dựng kịch bản, phương án tổ chức giao thông, tổ chức vận tải trên cả 5 lĩnh vực GTVT để hướng dẫn triển khai thực hiện trong tình hình mới với tinh thần khẩn trương, nghiên cứu kỹ lưỡng mọi mặt, đánh giá kỹ mọi tác động.

Phương án tổ chức giao thông sẽ lấy ý kiến của các bộ, ngành và các địa phương. Sau khi thống nhất, Bộ GTVT đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai theo nguyên tắc chung, không gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Các Sở GTVT địa phương cần nắm bắt tình hình, nhu cầu địa phương để góp ý vào kế hoạch vận tải chung của Bộ GTVT sau khi nới lỏng giãn cách. Trong đó, chú trọng xây dựng phương án tổ chức giao thông kết nối với các ga, bến cảng, bến xe và cảng hàng không, tổ chức giao thông đối với các phương tiện cá nhân.

"Cần ngăn chặn quyết liệt việc các phương tiện lợi dụng giấy nhận diện ưu tiên (QR code) để chở người và hàng hóa trái phép. Sở GTVT phải tăng cường công tác quản lý, quán triệt, nhắc nhở các doanh nghiệp vận tải và lái xe và có biện pháp xử lý nghiêm đối với doanh nghiệp, lái xe nào cố tình vi phạm", Thứ trưởng yêu cầu.

Quảng Ngãi: Không phân biệt đối xử với loại hàng hóa, mọi đường đều là "luồng xanh"

Sáng 15/9, Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi có văn bản hướng dẫn hoạt động vận chuyển, giao nhận hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh trong thời gian thực hiện các biện pháp đặc thù chống dịch COVID-19.

Nguyên tắc chung quy định, hướng dẫn: Tạm dừng hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16 và cao hơn; phương tiện giao thông đường bộ được đi qua nhưng không dừng, đỗ đón, trả khách (trừ xe công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe phục vụ phòng, chống dịch được hoạt động nhưng chỉ được đưa đón tại nơi chính quyền cho phép).

Hoạt động vận tải hành khách nội tỉnh được phép hoạt động tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 15 và thấp hơn nhưng không quá 50% ghế ngồi và không được đón, trả khách tại địa bàn phong tỏa, giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16.

Vận tải hàng hóa luôn luôn phải bảo đảm thông suốt, không được ùn tắc tại bất cứ địa điểm nào, thời điểm nào. Tất cả hàng hóa đều là cần thiết trừ hàng cấm. Không phân biệt đối xử theo từng loại hàng hóa nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để lưu thông hàng hóa. Tất cả các tuyến vận tải đều là luồng xanh, bảo đảm thông thoáng, thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Phan Trang