Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đại hội VI (từ ngày 15 đến 18/12/1986 ) - đại hội khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới. Ảnh tư liệu |
Đảng Cộng sản Việt Nam, như Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam ghi trong Điều 4, là “Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Đảng Cộng sản Việt Nam trải qua quá trình ra đời, xây dựng, phát triển trưởng thành, đảm đương vai trò tổ chức lãnh đạo cách mạng suốt 90 năm qua. Có thể thấy rõ quá trình ấy với 4 chặng đường tiếp nối liên tục.
Chặng đường 15 năm (1930-1945): Lãnh đạo cách mạng thành công
Đảng ra đời và xây dựng hệ thống tổ chức, tập hợp và lãnh đạo các giai cấp và tầng lớp yêu nước, tạo thành sức mạnh toàn dân tộc chống thực dân, đế quốc, phát xít và phong kiến tay sai; ra sức đấu tranh và chuẩn bị mọi mặt, để khi có thời cơ đã phát động cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.
Lãnh đạo 2 cuộc kháng chiến trường kỳ (1945-1975)
Trong 30 năm trời liên tục (từ 1945-1975), Đảng tổ chức, lãnh đạo 2 cuộc kháng chiến trường kỳ với quyết tâm sắt đá “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” và mục tiêu chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, nhân dân ta giành những thắng lợi “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, viết tiếp “những trang chói lọi nhất của lịch sử dân tộc”, làm nên“sự kiện có tầm quốc tế và có tính chất thời đại sâu sắc”.
Đảng đã phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh thời đại để chấm dứt sự thống trị của thực dân hơn 100 năm và đánh đuổi một đế quốc hùng mạnh bậc nhất thế giới.
Khôi phục kinh tế, bảo vệ vững chắc Tổ quốc (1975-1986)
Trong 10 năm (1975-1986), trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn, thậm chí có lúc ở tình trạng hiểm nghèo, Đảng đã lãnh đạo nhân dân vừa ra sức khôi phục kinh tế, vừa tiến hành hai cuộc chiến đấu chống xâm lược ở hai đầu biên giới, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước vừa đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, vừa tìm tòi, tháo gỡ khó khăn, khắc phục trì trệ, khủng hoảng kinh tế-xã hội, từng bước hoạch định đường lối đổi mới.
Đổi mới
Những năm từ 1986 đến nay, khi hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới lâm vào thoái trào, chủ nghĩa xã hội kiểu mô hình sụp đổ, Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra đường lối Đổi mới, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Từ đó đất nước không những vượt qua khủng hoảng kinh tế, mà còn trở thành nước đang phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, sức mạnh đất nước không ngừng được tăng cường toàn diện, vị thế và uy tín của Việt Namtrên trường quốc tế và khu vực ngày một nâng cao.
Tuổi 90 của một đảng cộng sản có số lượng đảng viên sau 12 kỳ Đại hội tăng gấp 9.000 lần (Đại hội I năm 1935 có 500 đảng viên, Đại hội XII năm 2016 có 4,5 triệu đảng viên), cầm quyền ở một quốc gia có dân số tăng gấp 5 lần (đầu thế kỷ XX là 20 triệu dân, đầu thế kỷ XXI là gần 100 triệu dân); lại là quốc gia đa văn hóa dân tộc (54 dân tộc) đa tôn giáo(16 tôn giáo được công nhận) - điều không phải phổ biến, thậm chí rất khó thấy trong khu vực và thế giới ngày nay.
Tuổi 90, Đảng Cộng sản Việt Nam có dày dạn kinh nghiệm và bài học lịch sử, như Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổng kết: “Một là, nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Hai là, sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử… Ba là, không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: Đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế… Bốn là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế. Năm là, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Đó là điều không đảng nào trong nước và nước ngoài có được; làm giàu thêm cho kho tàng kinh nghiệm của chủ nghĩa Marx-Lenin về đảng cầm quyền.
Tuổi 90, Đảng cộng sản Việt Nam định hình được nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp, làm cơ sở cho quá trình phát huy, phát triển những giá trị tinh thần truyền thống dân tộc Việt Nam. Đó là truyền thống đoàn kết thống nhất trong Đảng, lấy nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình, phê bình và tình thương yêu đồng chí để xây dựng, phát triển; đoàn kết quốc tế trong sáng vì lý tưởng và mục tiêu cao cả.
Đó là truyền thống gắn bó máu thịt giữa Đảng với dân, gắn bó lợi ích của dân tộc và giai cấp, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là truyền thống giữ vững độc lập, tự chủ về đường lối; nắm vững, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và thực hiện hiệu quả đường lối cách mạng đúng đắn.
Tuổi 90, Đảng Cộng sản Việt Nam có lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh với công lao to lớn trong việc sáng lập và tổ chức, rèn luyện, trực tiếp lãnh đạo để trở thành đảng cầm quyền. Người để lại cho Đảng những kinh nghiệm quý báu, bài học sâu sắc về tổ chức lãnh đạo cách mạng trong thời chiến và thời bình, lúc đất nước lâm nguy hay trong tình huống khó khăn hiểm nghèo. Người cũng đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ và nêu gương của Đảng trong tu dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ đảng viên “thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư… xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Trong bối cảnh thế giới ngày nay có hàng ngàn đảng phái chính trị đã và đang tồn tại, phát triển và diệt vong, vẫn có hàng trăm đảng cộng sản, đảng công nhân, đảng lao động, đảng xã hội hoạt động sôi nổi (năm 2018 có 118 đảng cộng sản và công nhân từ 85 nước trên thế giới tham gia Diễn đàn quốc tế các Đảng Cộng sản, Đảng Công nhân và Lao động)… Chứng tỏ những thực thể chủ nghĩa cộng sản không thể phủ nhận và không thế lực thù địch nào có thể đẩy trở lại như một “bóng ma” hồi thế kỷ XIX được nữa, trong đó tại nhiều quốc gia như Việt Nam, Đảng Cộng sản ra đời và trở thành đảng cầm quyền là đòi hỏi của lịch sử, là tất yếu của lịch sử.
Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của lịch sử dân tộc. Suốt 90 năm qua, Đảng đã đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ lịch sử, đảm đương vị trí vai trò lãnh đạo quốc gia dân tộc, là người quyết định mọi quyết sách phát triển, đưa quốc gia dân tộc trở thành một phần quan trọng của thế giới phát triển và hội nhập ngày nay.
PGS.TS Hà Minh Hồng