• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Tướng Bùi Phan Kỳ nói về cách đánh độc, lạ trong Chiến thắng 30/4

(Chinhphu.vn) – Nghệ thuật tạo lập thế trận tác chiến chiến lược mùa Xuân 1975, là một nghệ thuật độc đáo, tài tình và cũng thật là kỳ lạ, đầy sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Đây là vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn trong chiến lược bảo vệ đất nước hiện nay và mai sau.

30/04/2015 07:00
Thiếu tướng, Giáo sư Bùi Phan Kỳ. Ảnh: VGP/Phương Liên
Thiếu tướng, Giáo sư Bùi Phan Kỳ, nguyên Trưởng ban Đường lối học thuyết quân sự, Viện Chiến lược Quốc phòng đã có những phân tích sâu sắc về nghệ thuật tác chiến chiến dịch của quân đội ta trong Chiến thắng 30/4/1975.

Xin ông phân tích về nghệ thuật tác chiến chiến dịch từ chiến dịch Tây Nguyên mở đầu đến chiến dịch Hồ Chí Minh giành toàn thắng cho mùa xuân lịch sử năm 1975?

Thiếu tướng Bùi Phan Kỳ: Về nghệ thuật tổ chức và tác chiến chiến dịch, đó là cả lý luận và thực tiễn chuẩn bị, thực hành mỗi một chiến dịch. Nó là một bộ phần hợp thành của nghệ thuật quân sự. Nó là khâu nối liền giữa chiến lược quân sự với chiến thuật. Nghệ thuật chiến dịch hay nghệ thuật tác chiến chiến dịch gồm 2 phần. Phần lý luận chiến dịch là nghiên cứu các quy luật, các nội dung và tổ chức các chiến dịch, xác định những phương pháp, nguyên tắc để chuẩn bị và tiến hành chiến dịch; xác định phương pháp và cách thức tổ chức hiệp đồng để chỉ huy bộ đội trong chiến dịch; đề ra những yêu cầu về tổ chức và chuẩn bị chiến trường, nghiên cứu đối tượng tác chiến của chiến dịch. Còn về mặt thực tiễn của nghệ thuật chiến dịch là mọi hoạt động chuẩn bị và thực hành chiến dịch, bao gồm các hoạt động của liên binh đoàn tham gia chiến dịch. Hoạt động chuẩn bị ấy là của tư lệnh các cơ quan và của những đơn vị tác chiến.

Nghệ thuật chiến dịch chia thành nghệ thuật chiến dịch của binh chủng hợp thành và nghệ thuật chiến dịch của từng quân chủng như nghệ thuật chiến dịch hải quân, nghệ thuật chiến dịch không quân, nghệ thuật chiến dịch phòng không…

Vào mùa xuân năm 1975, các chiến dịch đều dùng nghệ thuật chiến dịch của binh chủng hợp thành, có bộ binh, pháo binh, xe tăng… Từ chiến dịch Tây Nguyên là chiến dịch mở đầu đến chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, các chiến dịch đó không riêng rẽ , tách rời nhau mà nằm trong cuộc tổng tiến công chiến lược của ta bằng 3 đòn chiến lược.

Đòn chiến lược thứ nhất là chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch mở đầu cho chiến lược giải phóng miền Nam, tạo thế cho cuộc tổng tiến công, diễn ra từ ngày 4/3-3/4/1975. Phải đến sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, Bộ Chính trị mới chính thức khẳng định: “Với Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng, cuộc tổng tiến công chiến lược thực tế đã bắt đầu”. Đồng thời chỉ rõ thời cơ chiến lược mới đã xuất hiện và hạ quyết tâm tiến hành đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng vào sào huyệt ngụy quyền tại Sài Gòn trong thời gian nhanh nhất, với phương châm hành động: “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.

Như vậy, Chiến dịch Hồ Chí Minh (26-30/4/1975) trên thực tế được hình thành trong quá trình cuộc tiến công nổi dậy, mở đầu bằng Chiến dịch Tây Nguyên, tiếp theo là Chiến dịch Huế-Đà Nẵng (21-29/3/1975); cả 2 chiến dịch này địch thua và “vỡ” nhanh quá dẫn đến ta quyết tâm thực hiện Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đó là ba đòn tiến công chiến dịch nối tiếp và liên kết chặt chẽ với nhau.

Thực chất, đây là ba đòn tiến công có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu sự phát triển đến đỉnh cao nhất của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong đó, chiến dịch Hồ Chí Minh là một điển hình của loại hình chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Đây là chiến dịch đã tận dụng được và phát huy cao độ thế chiến lược do các chiến dịch trước (Tây Nguyên, Huế -Đà Nẵng) tạo ra để tập trung lực lượng với ưu thế áp đảo quân địch cả về lực lượng, thế trận và tinh thần. Chiến dịch đó phát huy cao nhất sức mạnh của các binh đoàn, binh chủng hợp thành với quy mô lớn nhất, đập tan tuyến phòng thủ của địch ở vòng ngoài; đánh thẳng vào trung tâm đầu não, sào huyệt của địch, kết hợp với nổi dậy của quần chúng, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).

Nét đặc sắc của Chiến dịch Hồ Chí Minh là: đã đánh giá đúng so sánh lực lượng địch-ta, kiên định thực hiện chủ trương của Bộ Chính tri, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Chỉ huy là tập trung lực lượng, chọn thời cơ, tiến công kiên quyết, thần tốc, táo bạo, bất ngờ, giành thắng lợi hoàn toàn và triệt để.

Thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã để lại những bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu về nghệ thuật tiến công quân địch bằng chiến dịch hiệp đồng binh chủng. Nghệ thuật quân sự Việt Nam đã được thể hiện ở đỉnh cao trong cuộc tổng tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1975.

Vì sao ta phải tiến hành liên tục 3 chiến dịch để giải phóng miền Nam ngay lúc bấy giờ? Hội nghị Paris kết thúc với chủ trương của chúng ta là sẽ giành thống nhất trong hòa bình. Sau Hội nghị Paris, ta đã đạt mục tiêu như Bác Hồ nói là “đánh cho Mỹ cút”, ngày 29/3/1973 thì Mỹ rút hết quân nhưng vẫn tiếp tục chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh, chỉ huy Ngụy quân, Ngụy quyền tiến hành cuộc chiến tranh lấn chiếm và bình định, tiếp tục giữ miền Nam trong quỹ đạo là thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Mục tiêu của họ là vừa lấn chiếm vùng giải phóng, bình định vùng chiếm đóng, tiêu diệt một lực lượng của ta và đẩy lùi một lực lượng của ta ra sát biên giới. Sau khi rút quân thì Mỹ viện trợ cho chính quyền Sài Gòn 2.670 triệu USD, them 700 máy bay, 500 khẩu pháo, 400 xe tăng, bổ sung 2 triệu tấn vật liệu chiến tranh, chuyển gấp hàng nghìn sỹ quan Mỹ thành nhân viên dân sự để làm cố vấn. Chính quyền Sài Gòn coi việc giành dân, lấn đất lần này là keo cuối cùng để dành lợi thế nên họ lấy ấp, xã làm địa bàn quyết định chiến tranh nên đã phát triển quân đội Sài Gòn lên đến 70 vạn quân, lực lượng phòng vệ quân sự lên đến 1,5 triệu, đưa hơn 20% sỹ quan về chỉ huy xã, phường…

Chỉ trong năm 1973, quân ngụy đã tiến hành hơn 1 vạn cuộc hành quân từ cấp tiểu đoàn trở lên, càn quét, lấn chiếm ở các vùng tranh chấp; 35 vạn cuộc hành quân kiểm soát trong vùng họ kiểm soát… Rõ ràng là có ý đồ chia cắt lâu dài và khiến đất nước ta không có khả năng thống nhất bằng biện pháp hòa bình. Trước tình hình đó, từ tháng 5/1973, Bộ Chính trị đã họp và nhận định về tình hình sau mấy tháng thi hành Hiệp định Paris, thấy xu hướng chống phá của địch ngày càng tăng trong khi chúng ta vì đã có xu hướng chấm dứt chiến tranh trong hòa bình nên phạm nhiều sơ hở, đối phó với địch lúng túng nên đã có nhiều tổn thất. Sau đó, Bộ Chính trị đã khẳng định con đường của cách mạng Việt Nam vẫn phải là con đường bạo lực và xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam vẫn là cách mạng của dân tộc, dân chủ nhân dân, phương thức đấu tranh vẫn kết hợp đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị, đấu tranh địch vận.

Mỗi chiến dịch đều có mục đích, nhiệm vụ nhất định, tuy nhiên nét nổi bật của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam là nghi binh, lừa địch nhằm giữ được bí mật bất ngờ trong chuẩn bị và thực hành chiến dịch. Xin ông phân tích sâu về điều này trong các chiến dịch tháng 3 và tháng 4 năm 1975.

Thiếu tướng Bùi Phan Kỳ: Trong cuộc tiến công và nổi dậy năm 1975, nghệ thuật nghi binh được thể hiện trên nhiều phương diện. Trước khi phân tích sâu về điều này tôi xin nhắc lại định nghĩa về “nghi binh”. Trong Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, nghi binh là các hoạt động tác chiến và các hoạt động khác nhằm đánh lừa đối phương khiến chúng đoán sai về lực lượng, vị trí bố trí, khả năng tác chiến, phương pháp tác chiến, ý định và kế hoạch tác chiến, thu hút lực lượng của chúng sang hướng khác, tạo bất ngờ trong tác chiến. Người ta chia ra thành: nghi binh chiến lược, nghi binh chiến dịch và nghi binh chiến thuật. Nghi binh được xác định trong chiến thuật tác chiến của người chỉ huy được thực hiện bằng các biện pháp che dấu các sự thật, tạo thông tin giả. Căn cứ vào định nghĩa trên ta có thể xác định thế trận của ta trong cuộc tổng tiến công chiến lược năm 1975 cũng là một đòn nghi binh chiến lược rất lớn.

Đòn chiến lược đầu tiên là ta đánh vào Buôn Ma Thuột đã khiến cho đối phương bất ngờ, hoang mang. Trong suốt thời gian thực hiện kế hoạch nghi binh từ giữa tháng 11/1974 đến đầu tháng 3/1975, những phương án nghi binh được ta triển khai rầm rộ như huy động công binh, nhân dân mở đường cơ giới, phao tin đánh Gia Lai, Kon Tum... Mặc dù quân đã chuyển về phía nam Tây Nguyên chuẩn bị đánh Buôn Ma Thuột, nhưng vẫn giữ nguyên đường dây điện tín, trạm phát, người trực tổng đài, phát, truyền tin…tại phía Bắc Tây Nguyên. Thông tin nghi binh vẫn được đều đặn phát ra, vì vậy qua nguồn tin thám báo, tình báo của địch tin rằng ta chuẩn bị đánh Gia Lai, Kon Tum. Lập tức chúng điều động lực lượng bố phòng khu vực này, trong khi đó Buôn Ma Thuột bỏ ngỏ và bị cô lập.

Kế hoạch nghi binh thắng lợi không chỉ tiết kiệm được thời gian mà còn giảm mức thương vong thấp nhất cho lực lượng của ta để nhanh chóng giải phóng hoàn toàn Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk… đẩy địch vào thế bị động, bất ngờ.

Thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên trước hết là thắng lợi của chiến dịch nghi binh, lừa địch. Hút địch, giam chân địch mà đến lúc chúng ta đánh vào mục tiêu chính, địch không còn cách gì cứu vãn được. Chiến dịch Tây Nguyên giải phóng cả Đắk Lắk, Gia Lai, Cheo Reo, Phù Bổn và cả Kon Tum. Như vậy, 4 tỉnh Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng và còn giải phóng được cả 3 tỉnh đồng bằng khu 5 là Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa

Từ đòn điểm huyệt Buôn Ma Thuột của Chiến dịch Tây Nguyên đã tác động dây chuyền, dẫn đến sự sụp đổ rộng lớn không thể cưỡng nổi của Ngụy quyền. Kế hoạch, nghệ thuật nghi binh bài bản và tác chiến chu đáo đã đưa đến thắng lợi hoàn toàn ở Tây Nguyên, chia cắt địa bàn của địch, chiến thắng nối tiếp chiến thắng, tạo đột biến chiến lược để ta sớm tiến vào chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Quân đội ta luôn quán triệt, vận dụng quan điểm phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân. Sức mạnh nhân dân và vai trò quần chúng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh được thể hiện như thế nào, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Bùi Phan Kỳ: Sức mạnh nhân dân chính là nghệ thuật tổ chức lực lượng “Toàn dân đánh giặc” của Đảng ta. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta vừa có tính chất của một cuộc chiến tranh giải phóng, vừa có tính chất của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhưng, đó đều là cuộc chiến tranh nhân dân, chiến tranh tự vệ chính nghĩa, do toàn dân tiến hành, dưới sự lãnh đạo của Đảng nhằm chống lại chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc. Chúng ta không chỉ chú trọng xây dựng quân đội làm nòng cốt để tiến hành chiến tranh mà còn phát huy tối đa trí tuệ, sức lực, truyền thống, kinh nghiệm Việt Nam từ xa xưa để đánh giặc bằng sức mạnh của cả một dân tộc nhằm đánh bại lực lượng quân sự nhà nghề với những cỗ máy chiến tranh khổng lồ, chuyên nghiệp và tàn ác của Mỹ-Ngụy.

Với nghệ thuật tổ chức lực lượng và vận dụng các hình thức, phương thức tác chiến như vậy, ta đã xây dựng được thế trận chiến tranh nhân dân “thiên la địa võng”, rộng khắp, vững chắc nhưng mạnh ở trọng điểm. Điều đó lý giải vì sao ta có thể “Mở mặt trận ở bất cứ nơi nào có bóng địch, đánh ngay ở cả sau lưng địch, trong trung tâm phòng ngự của địch” và “Kéo địch ra khỏi hang ổ mà đánh, căng địch ra mà đánh, luồn sâu vào hậu phương địch mà đánh, bám thắt lưng địch mà đánh…”. Vì vậy, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, thế trận và lực lượng ấy đã bảo đảm cho ta luôn đánh cho địch ở thế bị động, càng đánh càng bộc lộ sơ hở, càng đánh địch càng bị dồn vào nguy cơ thất bại.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhờ nghệ thuật tổ chức toàn dân đánh giặc mà ta vừa có điều kiện tập trung lực lượng đánh vào các thành phố lớn, tiêu diệt và bắt sống địch, đồng thời, vừa có điều kiện đánh địch rộng khắp cả ở rừng núi, nông thôn và vùng ngoại ô thành phố, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm nghìn tên địch ở các chiến trường khác. Nhờ nghệ thuật tổ chức lực lượng toàn dân đánh giặc, ta đã kết thành lưới lửa của thế trận chiến tranh nhân dân, diệt nhiều máy bay, tàu chiến, đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, khiến Mỹ-Nguỵ từng bước rơi vào cơn khốn quẫn và kết cục đã bị thất bại toàn diện cả về quân sự và chính trị.

Trên cơ sở đường lối chiến tranh nhân dân, nghệ thuật tác chiến chiến lược theo đường lối chiến tranh nhân dân, kết hợp chặt chẽ giữa chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và binh vận, chúng ta đã tác chiến thành công trên toàn bộ chiến tuyến, đánh cả ở phía trước và đằng sau lưng địch, trên cả 3 vùng chiến lược. Mục tiêu của cuộc tiến công chiến lược là phải phá vỡ chiến lược, tiêu diệt lực lượng tiến công chiến lược, đánh bại biện pháp chiến lược, làm suy sụp ý chí chiến đấu và quyết tâm chiến lược của địch, giải phóng lãnh thổ, đánh chiếm thủ đô của địch, đi đến kết thúc chiến tranh.

Thưa Thiếu tướng, sau 40 năm đất nước thống nhất, quân đội ta đã trưởng thành về mọi mặt, tuy nhiên với danh hiệu cao quý “Bộ đội cụ Hồ”, quân đội ta cần xây dựng chuẩn mực trong giai đoạn hiện nay ra sao?

Thiếu tướng Bùi Phan Kỳ: Quân đội ta vừa là quân đội lập quốc và quân đội xây dựng chế độ. Quân đội ta ra đời trước Nhà nước, điều này khác hoàn toàn với quân đội của nhiều quốc gia trên thế giới. Bác Hồ là người sáng lập Đảng, phục tùng sự lãnh đạo của Đảng để lập ra quân đội. Và danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là do nhân dân đặt cho, bởi vậy cán bộ, chiến sĩ quân đội phải phục tùng sự lãnh đạo của Đảng, là "đội cận vệ" tin cậy bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. 

Trong tình hình hiện nay, để làm được điều đó, Bộ đội Cụ Hồ phải cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm thất bại chiến lược “biên giới mềm” của các thế lực thù địch, phản động chống phá đất nước ta trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bộ đội Cụ Hồ có trách nhiệm phát huy bản chất tốt đẹp đã được tôi rèn trong suốt chặng đường xây dựng, trưởng thành, lớn mạnh và phát huy ảnh hưởng của mình bằng những công việc tốt, những hành động đẹp tới toàn xã hội; noi gương, học tập tinh thần “dĩ công vi thượng” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Để giữ vững, phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ, các đơn vị quân đội cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả chức năng đội quân công tác, vận động cách mạng, vận động quần chúng bằng những việc làm cụ thể, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin, để dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Được như vậy càng thêm xứng đáng với danh hiệu "Bộ đội Cụ Hồ" nhân dân đặt cho.

Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng.

Phương Liên (thực hiện)