Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo TTXVN, nhận định trên được Tướng Raymond Thomas - người đứng đầu USSOC đưa ra trong một thông báo tới một phiên họp của Ủy ban Quân vụ Quốc hội Mỹ hôm 3/5.
Theo Tướng Thomas, ông ngày càng quan ngại về mối đe dọa từ "một Triều Tiên ngày càng lớn mạnh" và mối đe dọa này không chỉ là một mối đe dọa khu vực mà còn có "liên quan tới toàn cầu".
Tướng Thomas nêu rõ: "Đáp lại, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ (USPACOM) và Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) đã tập trung vào việc duy trì sức mạnh chiến đấu đáng tin cậy tại khu vực, duy trì giải quyết liên tục những hành động khiêu khích cũng như những quan hệ đối tác với các đồng minh thân thiết nhất của Mỹ".
Trong một diễn biến liên quan, ngày 3/5, Mỹ đã bày tỏ hy vọng hợp tác với Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, song cảnh báo có thể áp đặt trừng phạt nhằm các công ty của Trung Quốc nếu những nỗ lực trên không đạt hiệu quả.
Phát biểu với các nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Rex Tillerson cho biết Bắc Kinh đã tái khẳng định ủng hộ mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, song Washington vẫn chờ đợi những động thái quyết liệt hơn của Bắc Kinh trong việc hiện thực hóa mục tiêu này.
Bên cạnh đó, ông Tillerson cũng nhấn mạnh về các biện pháp "trừng phạt nước thứ 3", cảnh báo Mỹ có thể áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào những công ty của Trung Quốc có giao dịch với Triều Tiên.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mỹ cũng kêu gọi các quốc gia thực hiện đầy đủ lệnh trừng phạt Triều Tiên theo nghị quyết của HĐBA LHQ đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục áp đặt thêm các lệnh trừng phạt nếu Bình Nhưỡng không từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ nhiều lần tuyên bố Bắc Kinh vẫn chưa thực sự quyết liệt trong việc thực hiện các lệnh trừng phạt của LHQ và các ngân hàng Trung Quốc vẫn tiếp tục hỗ trợ Bình Nhưỡng tiếp cận với thị trường tài chính quốc tế.
Trong một diễn biến khác, Hàn Quốc cho biết vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên hôm 29/4 đã thành công, trái với tuyên bố ban đầu của nước này và Washington.
Theo các chuyên gia, tên lửa này phát nổ sau khi đạt độ cao 20-30 km đã chứng minh vụ phóng diễn ra trong chế độ ổn định. Tên lửa này đã bay về hướng vùng Primorsky của Liên bang Nga nhưng các mảnh vụn rơi trên lãnh thổ Triều Tiên.
Nhằm gia tăng sức ép quân sự lên Bình Nhưỡng, Washington đã cử tàu ngầm hạt nhân USS Michigan, được trang bị 150 tên lửa Tomahawk, gia nhập nhóm tàu tấn công do siêu tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu áp sát Bán đảo Triều Tiên.
Trong khi đó, Bình Nhưỡng đã cáo buộc hoạt động triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc cũng như chương trình tập trận chung giữa Mỹ và các đồng minh châu Á đã đẩy bán đảo này tới bờ vực của chiến tranh hạt nhân với sự “gây hấn và quá khích” của Mỹ.