Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam, người cộng sản kiên trung, suốt đời phấn đấu cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Với hơn 70 năm hoạt động cách mạng, từ khi tham gia phong trào cách mạng đến khi đảm nhiệm cương vị đứng đầu Chính phủ, cuộc đời của đồng chí Phan Văn Khải gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trên các cương vị là Chủ tịch UBND TPHCM, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phan Văn Khải luôn trăn trở, tìm tòi, tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, góp phần cùng với Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến hành công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, tăng cường quốc phòng-an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh Thủ tướng Phan Văn Khải, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức biên soạn cuốn sách Thủ tướng Phan Văn Khải và những quyết sách chiến lược (Tuyển chọn tài liệu lưu trữ) nhằm thể hiện những hoạt động nổi bật nhất của Thủ tướng Phan Văn Khải trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội, giáo dục, ngoại giao qua các tài liệu, tư liệu được chọn lọc từ lưu trữ quốc gia.
Cuốn sách có bố cục gồm 3 phần, mỗi phần gồm các bài được sắp xếp theo chủ đề và trình tự thời gian, diễn biến của sự kiện. Tài liệu được công bố toàn văn hoặc lược trích, chú giải rõ nguồn.
Phần I: Những quyết sách về kinh tế
Phần II: Những quyết sách về văn hóa-xã hội
Phần III: Những quyết sách về đối ngoại, ngoại giao
Với tất cả những tình cảm yêu mến sâu sắc dành cho vị lãnh đạo tài ba, giàu tâm huyết và trách nhiệm, Ban Biên soạn đã cố gắng chọn lọc, tập hợp những tài liệu tiêu biểu nhất để người đọc có thể cảm nhận, hình dung về con người và phong cách làm việc của ông, từ đó khẳng định những đóng góp to lớn, những nỗ lực trong cuộc đời mà ông đã cống hiến cho Nhà nước và dân tộc.
Đồng chí Phan Văn Khải (sinh ngày 25/12/1933, mất ngày 17/3/2018) - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X, XI, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước Việt Nam, người cộng sản kiên trung, suốt đời phấn đấu cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa.
Ông tham gia cách mạng từ năm 1947, khởi đầu ở Đội Thiếu nhi cứu quốc của xã. Từ năm 1950 đến năm 1954, ông công tác tại Tỉnh đoàn Thanh niên Gia Định, Văn phòng Mặt trận Liên Việt, Văn phòng Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến tỉnh Gia Định Ninh. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, tham gia cải cách ruộng đất, học văn hóa và được kết nạp vào Đảng. Từ năm 1960 đến năm 1965, ông được cử đi học tại Đại học Kinh tế ở Mátxcơva (Liên Xô). Từ năm 1965 đến năm 1975, ông công tác tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy ban thống nhất Chính phủ.
Sau khi đất nước thống nhất, ông giữ nhiều chức vụ quan trọng tại TPHCM, như Phó Chủ nhiệm, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Thành phố, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND, Chủ tịch UBND TPHCM. Ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết (1982) rồi Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1984).
Tháng 4/1989, ông được Trung ương điều ra Hà Nội làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và được đồng chí Đỗ Mười giao trọng trách đứng đầu nhóm soạn thảo Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2000. Tháng 6/1991, ông được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Tháng 7/1991, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tháng 6/1996, ông tiếp tục được bầu là Ủy viên Bộ Chính trị, làm Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. Từ tháng 9/1997 đến tháng 7/2006, ông được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị phân công làm Thường vụ Bộ Chính trị.
Diệp Anh