Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cùng tham dự còn có lãnh đạo sở, ngành liên quan, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
Báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) nêu rõ: từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh than của TKV và các đơn vị thành viên trên địa bàn tỉnh ổn định và phát triển. Trong 7 tháng đầu năm 2011, Tập đoàn đã khai thác trên 29 triệu tấn than nguyên khai, tiêu thụ 26 triệu tấn than thành phẩm; bóc xúc 143 triệu m3 đất đá; đào mới trên 200km lò; doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt trên 54.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các đơn vị thuộc TKV tiếp tục lập hồ sơ xin cấp phép khai thác các lộ vỉa nhỏ, các dự án mới theo cấp trữ lượng cũ và dự thảo phát triển quy hoạch phát triển ngành Than đến năm 2015, xét triển vọng đến năm 2030. Toàn bộ các dự án của các công ty thành viên trong Tập đoàn đều đã được lập đánh giá tác động môi trường và được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đến nay đã có 10 đơn vị đã thực hiện ký quỹ môi trường Việt Nam và quỹ môi trường Quảng Ninh với tổng số tiền trên 7 tỷ đồng.
Ngoài ra, TKV cũng đang tiếp tục rà soát tất cả các khu vực đã khai thác, lập phương án và kế hoạch thi công, xây dựng các kho chứa, bãi chế biến than. Chỉ đạo các đơn vị cắm mốc ranh giới khu vực khai thác than theo giấy phép và lập kế hoạch giao nhận mốc ranh giới với Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như việc lập quy hoạch tổng thể mặt bằng mỏ, làm các thủ tục thuê đất... nên tình trạng khai thác, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ than trái phép ở các khu vực trọng điểm (Đông Triều, Hạ Long, Hoành Bồ, Cẩm Phả) đã cơ bản được kiểm soát.
Tuy nhiên, tình trạng khai thác than trái phép tái diễn có tính chất phức tạp hơn ở cả trong và ngoài ranh giới mỏ; tình trạng lập bến bãi chứa, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ than tại các địa bàn giáp ranh với tỉnh Quảng Ninh, hoạt động vận chuyển than trái phép trên biển vẫn diễn ra phức tạp. Việc quản lý sản phẩm than từ khâu khai thác, vận chuyển, sàng tuyển chế biến, tiêu thụ than; giám định than (cả số lượng và chất lượng than), than tiêu thụ cuối nguồn quản lý chưa chặt chẽ. Chế tài xử lý vi phạm khai thác than trái phép (chủ yếu là xử phạt vi phạm hành chính) chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng tái diễn nhiều lần. Tiến độ đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường còn chậm, hiệu quả chưa cao.
Để đẩy mạnh phát triển đáp ứng cho nhu cầu than tăng cao, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thời gian tới TKV sẽ tập trung đẩy mạnh đầu tư các mỏ hầm lò lớn như: Mạo Khê, Núi Béo, Khe Chàm 2, Khe Chàm 4, Mông Dương... để bù sản lượng cho các mỏ lộ thiên đang thu hẹp dần; hiện đại hóa các cảng Điền Công (Uông Bí), Làng Khánh (Hạ Long), Km 6, Hóa chất, Khe Dây và cảng Cẩm Phả. Xây dựng các kho dự trữ than, kho trung chuyển Khe Ngát, Khe Thần, G9 Mông Dương; các nhà máy điện Mạo Khê, Cẩm Phả; các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng nguồn nhiên liệu tro xỉ...
Tại hội nghị, các đơn vị thuộc Vinacomin đã nêu những khó khăn, vướng mắc của đơn vị trong thời gian qua, đồng thời đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh cùng các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để hoàn thiện nhanh các thủ tục pháp lý, phối hợp giải phóng nhanh mặt bằng, có cơ chế khuyến khích cho một số dự án đặc thù như miễn giảm tiền thuê đất, hỗ trợ nguồn vốn. Cho phép các đơn vị được thực hiện tạm thuê đất để thực hiện việc khai thác tận thu than tại các lộ vỉa nhỏ đang hoạt động trong khu vực đã cấp giấy phép khai thác hầm lò như: Khe Chàm, Quang Hanh, Hà Ráng, Đồng Vông (Uông Bí), Công ty 35 (Tổng Công ty Đông Bắc), để các công ty tổ chức khai thác nhanh và hoàn thổ phục hồi môi trường vì các lộ vỉa này nằm trong vùng nhạy cảm về an ninh trật tự. Đề nghị tỉnh cùng với Tập đoàn báo cáo Chính phủ để có những chế tài phù hợp để xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm khai thác than trái phép; tỉnh Quảng Ninh sớm phê duyệt giá mua than tồn của các tổ chức, cá nhân ngoài Tập đoàn tại một số cảng ở Đông Triều, Cẩm Phả (Cẩm Hải, Yên Đức, Km 6) để Tập đoàn mua lại theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đồng thời có những biện pháp quản lý mặt bằng kho, bãi, cảng sau khi giải tỏa xong số than tồn trên để duy trì trật tự tiêu thụ than.
Sau khi các sở, ngành tham gia đóng góp ý kiến, đồng chí Đỗ Thông, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá cao đóng góp của ngành than vào phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh. Đồng chí nhấn mạnh quan điểm của tỉnh là ưu tiên hàng đầu cho đầu tư và sản xuất của ngành than bằng hành động cụ thể. Đây cũng chính là cách làm nhằm thực hiện triệt để Nghị quyết 11 của chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, trong đó tỉnh, ngành than và các địa phương có than tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề của ngành than; các sở, ngành cần trực tiếp giải quyết những kiến nghị của các đơn vị thành viên Vinacomin tại cơ sở.
Về những kiến nghị của các đơn vị của ngành than, đồng chí yêu cầu các địa phương cần giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến vướng mắc giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất, đơn giá đất, vấn đề tái định cư nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị hoạt động đạt hiệu quả.
Vấn đề thu mua than tồn, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương kiểm tra, rà soát các kiến nghị của 6 đơn vị ngành than, đồng thời có văn bản báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định chỉ đạo. Đồng chí giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra đồng bộ vấn đề quy hoạch của các doanh nghiệp ngành than cho phù hợp với tình hình thực tế, kiên quyết không cấp giấy phép cho các doanh nghiệp hoạt động sai mục đích.
Về thu mua than tồn, đồng chí yêu cầu Vinacomin cần xem xét giá mua cho phù hợp, đảm bảo có lợi cho các doanh nghiệp. Vấn đề quản lý, khai thác than trái phép, đồng chí yêu cầu ngành than cần kiểm tra, lập quy hoạch, khảo sát các vị trí mỏ lộ thiên, báo cáo về UBND tỉnh để tỉnh xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Việc khoan, thăm dò các mỏ than, đồng chí đề nghị các doanh nghiệp ngành than cần lập quy hoạch khai thác theo quy định.
Vấn đề quy hoạch cảng Hà Khánh, đồng chí giao cho Văn phòng UBND tỉnh tiếp nhận nội dung để báo cáo cụ thể với Chủ tịch UBND tỉnh xem xét. Việc quy hoạch Vùng công nghiệp TX Cẩm Phả, đồng chí giao cho Sở Công thương gửi văn bản về UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt. Đồng chí cũng yêu cầu các địa phương trong thời gian tới khẩn trương phối hợp, ký cam kết với ngành than để hoạt động đạt hiệu quả cao nhất./.