Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Sáng 27/5, tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Bổ sung danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu
Bà Thuý Anh cho biết nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị cân nhắc việc quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn "đạt chuẩn nông thôn mới", bổ sung các tiêu chuẩn về "đạt các tiêu chí về văn minh đô thị".
UBTVQH đã chỉ đạo tiếp thu ý kiến của ĐBQH và chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn chung đạt danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu nhằm bảo đảm tính phổ quát chung nhất, thể hiện tại Khoản 1 Điều 29 của dự thảo Luật.
Có ý kiến ĐBQH đề nghị giao Chính phủ mà không giao UBND cấp tỉnh quy định việc xét tặng danh hiệu này. Có ý kiến ĐBQH đề nghị UBND cấp tỉnh phải gửi xin ý kiến của Bộ Nội vụ trước khi ban hành quy định chi tiết về tiêu chuẩn và việc xét tặng danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu.
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, việc giao UBND cấp tỉnh quy định chi tiết tiêu chuẩn và việc xét tặng đối với danh hiệu này trên cơ sở tiêu chuẩn chung được quy định tại dự thảo Luật là phù hợp nhằm bảo đảm hài hòa chung cả nước, bảo đảm phân cấp, phân quyền, tự chịu trách nhiệm và phù hợp thực tiễn của từng vùng, miền, đặc điểm của từng địa bàn cụ thể, phản ánh được thực chất của phong trào thi đua ở từng địa phương.
Việc gửi xin ý kiến Bộ Nội vụ trước khi ban hành sẽ tạo thêm thủ tục hành chính, chưa bảo đảm cải cách thủ tục hành chính, đồng thời làm giảm đi tính tự chịu trách nhiệm của địa phương khi đã được phân cấp, phân quyền.
Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội được giữ quy định như dự thảo Luật.
Khen thưởng thành tích kháng chiến
Về nội dung này, một số ý kiến ĐBQH đề nghị tiếp tục thực hiện khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến và khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía bắc. Một số ý kiến nhất trí với quy định như dự thảo Luật, chỉ khen thưởng đối tượng tham gia 2 cuộc kháng chiến.
Theo UBTVQH, ngày 29/3/2022, Bộ Chính trị đã có Kết luận về khen thưởng thành tích kháng chiến (Thông báo số 11-TB/TW).
Thể chế hóa Kết luận của Bộ Chính trị, Khoản 1 Điều 96 của dự thảo Luật quy định như sau: "Nhà nước tiếp tục xem xét, thực hiện, hoàn thành khen thưởng thành tích kháng chiến trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc đối với những cá nhân, tập thể, gia đình đủ điều kiện, tiêu chuẩn" và giao Chính phủ hướng dẫn thực hiện quy định này.
Về việc bổ sung hình thức khen thưởng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" còn có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất thống nhất với Tờ trình của Chính phủ, đề nghị bổ sung hình thức khen thưởng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang". Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" trong dự thảo Luật.
UBTVQH đã chỉ đạo việc tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung hình thức khen thưởng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" đối với thanh niên xung phong (TNXP) có thành tích trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc như thể hiện tại Khoản 2 Điều 96 của dự thảo Luật. Đồng thời, đề nghị Chính phủ lưu ý rà soát đối tượng TNXP thời kỳ bảo vệ Tổ quốc, quy định chặt chẽ để bảo đảm ý nghĩa của hình thức khen thưởng này khi thực hiện nhiệm vụ được giao tại Khoản 3 của Điều 96.
Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật quy định theo hướng "TNXP hy sinh trong khi làm nhiệm vụ đã được công nhận liệt sĩ thì được truy tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang".
Bổ sung đối tượng "Nghệ sĩ Nhân dân", "Nghệ sĩ Ưu tú"
Nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị giữ như Luật hiện hành theo đó "nhạc sĩ" và "phát thanh viên" là đối tượng được xét tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Nghệ sĩ Nhân dân", "Nghệ sĩ Ưu tú".
UBTVQH cho biết sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu về việc giữ quy định hiện hành về "nhạc sĩ" và "phát thanh viên".
Một số ý kiến ĐBQH, đoàn ĐBQH đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng hoạt động trong các lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các "soạn giả" trong lĩnh vực sân khấu được xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân", "Nghệ sĩ Ưu tú".
Về vấn đề này, qua quá trình lấy ý kiến, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, ý kiến vẫn còn rất khác nhau. Do đó, UBTVQH trình Quốc hội 2 phương án để ĐBQH thảo luận và cho ý kiến.
Cụ thể, phương án 1: Bổ sung các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các "soạn giả" trong lĩnh vực sân khấu là đối tượng được xét danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân", "Nghệ sĩ Ưu tú" tại Khoản 1 và bổ sung tiêu chuẩn tại Khoản 2, Khoản 3 để phù hợp với việc bổ sung đối tượng. Phương án 2: Giữ như quy định về đối tượng, tiêu chuẩn của Luật hiện hành.
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, UBTVQH nghiêng về phương án 1.
Xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng
Một số ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung trường hợp đã được khen thưởng nhưng sau đó bị phát hiện vi phạm quy định của Nhà nước và bị xử lý kỷ luật từ hình thức "Khiển trách" trở lên trong kỳ được xét khen thưởng thì phải bị hủy bỏ quyết định khen thưởng và bị thu hồi hiện vật, tiền thưởng.
Có ý kiến cho rằng, quy định tại các Khoản 3, 4 và 6 Điều 93 chưa thực sự thống nhất về tiêu chuẩn xem xét tước danh hiệu vinh dự Nhà nước nên đề nghị rà soát, nghiên cứu kỹ để bảo đảm tính công bằng, đáp ứng yêu cầu, mục đích của công tác thi đua, khen thưởng.
Có ý kiến đề nghị xem xét, bổ sung trường hợp cá nhân không còn xứng đáng hoặc vi phạm các chuẩn mực đạo đức, gây ảnh hưởng xấu và bị dư luận xã hội lên án thì bị thu hồi danh hiệu vinh dự Nhà nước.
UBTVQH thấy rằng, việc thu hồi danh hiệu nói trên cần có căn cứ cụ thể để bảo đảm tính minh bạch và thượng tôn pháp luật. Các Khoản 3, 4, 5 và 6 đã quy định cụ thể các trường hợp, căn cứ để tước danh hiệu Nhà nước, danh hiệu vinh dự Nhà nước. Do vậy, UBTVQH xin ý kiến Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.
Hải Liên