Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nghị quyết được thông qua khẳng định qua chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy việc lựa chọn và quyết định nội dung chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) là rất "đúng" và "trúng". Các vấn đề vừa có tính thời sự cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, nhân dân cả nước.
Các đại biểu Quốc hội thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri, nghiên cứu kỹ tài liệu, bám sát thực tiễn và lĩnh vực được chất vấn, đặt câu hỏi và tranh luận có chất lượng.
Các Bộ trưởng trả lời chất vấn thể hiện tinh thần trách nhiệm, nắm chắc thực trạng lĩnh vực phụ trách; thẳng thắn trong giải trình làm rõ nhiều vấn đề, trong đó có những vấn đề tồn tại nhiều năm.
Các Bộ trưởng cũng nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, đồng thời đề xuất giải pháp cụ thể, có tính khả thi để khắc phục những bất cập, vướng mắc. Qua đó có hướng giải quyết những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý đã được chỉ ra trong quá trình chất vấn.
Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực và các Bộ trưởng: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Tư pháp tham gia trả lời, giải trình đã làm rõ thêm nhiều vấn đề các đại biểu Quốc hội chất vấn.
Nghị quyết nêu rõ UBTVQH yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.
Cụ thể, đối với lĩnh vực công thương: Cần xây dựng kịch bản, phương án cụ thể, rõ ràng và thực hiện quyết liệt để bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng, bảo đảm cân đối cung cầu xăng, dầu trong mọi tình huống. Tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết của Quốc hội trong quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả. Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên thị trường. Đa dạng các hình thức truyền thông, tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân về tác hại của hàng giả, hàng kém chất lượng và phát hiện, đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực.
Tăng cường hợp tác quốc tế về thương mại, có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, nhất là các mặt hàng nông sản. Chú trọng phát triển thị trường trong nước, vận động hệ thống phân phối tập đoàn bán lẻ, siêu thị đẩy mạnh thu mua, chế biến, tiêu thụ trong chuỗi cung ứng, chú trọng giới thiệu, phân phối sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử…
Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường: Tập trung xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và các luật có liên quan bảo đảm căn cứ chính trị, phù hợp với thực tiễn để thống nhất trong điều chỉnh các quan hệ về đất đai, tài sản gắn liền với đất, giao dịch quyền sử dụng đất, các quy định về hợp đồng khi mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai, quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai.
Quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả các chỉ tiêu sử dụng đất. Kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tình trạng lãng phí đất đai, đất được giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng, các hành vi gây ô nhiễm, làm hủy hoại đất, thoái hóa đất. Hoàn thiện hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về đất đai.
Triển khai thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải, khí thải, chất thải rắn công nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia trong năm 2022. Quan tâm đầu tư, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực (kể cả nguồn lực xã hội hóa) trong thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn sinh hoạt (rác thải); tăng cường năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo về môi trường. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, nhất là trong lĩnh vực quản lý rác thải, thực hiện phân loại rác thải tại nguồn…
Nghị quyết giao Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban khác của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Trên cơ sở nghị quyết và thực tiễn thi hành pháp luật, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội chủ động tổ chức các phiên giải trình thuộc lĩnh vực phụ trách, góp phần giải quyết có hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào, cử tri và nhân dân cả nước.
Nguyễn Hoàng