Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chiều 24/9, UBND TP. Đà Nẵng đã làm việc với các đơn vị về phương án phòng, chống cơn bão số 4 (NORU). Đây là cơn bão mạnh, di chuyển rất nhanh, có diễn biến phức tạp và khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến TP. Đà Nẵng.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 13h ngày 24/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 127,1 độ Kinh Đông, cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 660 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117 km/giờ), giật cấp 14. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Đến 13h ngày 25/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 121,8 độ Kinh Đông trên vùng bờ biển phía đông đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (103-133 km/giờ), giật cấp 15.
Do ảnh hưởng của bão, từ chiều 25/9, ở vùng biển phía đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 4,0-6,0 m; biển động rất mạnh. Trong 72 đến 120 giờ tới, bão tiếp tục di chuyển nhanh chủ yếu theo hướng tây với tốc độ 20-25 km/h, cường độ suy yếu dần và ảnh hưởng đến khu vực Trung Bộ.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Đà Nẵng, hiện Công ty Công viên–Cây xanh Đà Nẵng đang huy động toàn bộ lực lượng và phương tiện tham gia triển khai cắt tỉa đối với hệ thống cây xanh công cộng, cắt tỉa và hạ thấp tán.
Ưu tiên thực hiện tại các tuyến đường có cây xanh rậm tán (phượng vĩ, muồng tím, lim xẹt, xà cừ…) và các tuyến đường trong danh sách các tuyến đường khu vực ưu tiên và các tuyến trung tâm.
Để chủ động đối phó với diễn biến của bão NORU, ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đề nghị UBND các quận, huyện có phương án sơ tán nhân dân trong thiên tai, nhất là các khu vực dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven biển, ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, nhà cửa không kiên cố...
Các lực lượng của địa phương phối hợp với lực lượng quân đội, công an hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa; chủ động, sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn khi thiên tai xảy ra.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển; thường xuyên cung cấp tình hình tàu thuyền cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP. Đà Nẵng.
Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn tại khu trú tránh bão Âu thuyền Thọ Quang và các điểm neo đậu trú tránh bão đã được quy hoạch; khẩn trương di dời các tàu kinh doanh xăng dầu ra khỏi Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang đến neo đậu tại các khu vực phù hợp, bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ.
Công an thành phố phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, UBND các địa phương hướng dẫn ngư dân thực hiện các giải pháp, biện pháp, bố trí lực lượng thường trực phòng cháy chữa cháy khi neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại Âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang, không để xảy ra tai nạn, cháy nổ; chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tổ chức chốt chặn ở những vị trí nguy hiểm, ngập sâu...
Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai phương án phòng, chống ngập úng, khơi thông cống rãnh thoát nước. Đồng thời, có biện pháp neo giữ, gia cố giàn giáo thi công, các thiết bị thi công tại các công trình xây dựng đảm bảo an toàn.
Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để có biện pháp xử lý an toàn về điện, kịp thời cắt điện ở những vùng bị ngập sâu; có biện pháp gia cố an toàn các móng, trụ điện, phòng, chống ngã đổ và nhanh chóng tổ chức khắc phục sự cố điện sau bão, bảo đảm cấp điện cho các trạm bơm chống ngập.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo công tác về thông tin, truyền thông ứng phó với bão, lũ; cập nhật thông tin về diễn biến bão, mưa lũ để chính quyền các cấp và nhân dân biết, chủ động ứng phó; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trước, trong và sau thiên tai.
Lưu Hương