Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tối 11/6, tại TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Ban Kinh tế Trung ương, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Đại dương thế giới và phát động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam với chủ đề "Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển", thể hiện trách nhiệm và nỗ lực của Việt Nam trong nỗ lực chung toàn cầu về bảo vệ, phục hồi đại dương.
Tại lễ mít tinh, đồng chí Trần Tuấn Anh - Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, bảo tồn và khai thác bền vững tài nguyên biển đã trở thành thước đo phát triển của nhiều quốc gia. Phát triển kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển, bảo đảm hài hoà giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường đang là xu thế tất yếu.
Để phát triển bền vững kinh tế biển, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị các bộ, ban, ngành và các cơ quan liên quan cần thực hiện một số nhiệm vụ: Nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của biển và hải đảo, tạo sự đồng thuận; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài và cộng động quốc tế trong công cuộc bảo vệ biển, đảo và phát triển bền vững kinh tế biển.
Bên cạnh đó, cần có đánh giá toàn diện những thách thức trong công tác bảo vệ chủ quyền, khai thác bền vững tài nguyên biển, hải đảo, tình hình ô nhiễm biển ở mỗi địa phương để có chính sách ưu tiên để giải quyết hiệu quả. Xác định kinh tế biển là động lực để phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và kinh tế của các địa phương nói riêng sau dịch COVID-19.
Đánh giá về những tác động đối với đại dương, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, đại dương đang đối mặt với những nguy cơ chưa từng có do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các hoạt động khai thác tài nguyên thiếu bền vững, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái biển. Theo cảnh báo của Liên Hợp Quốc, 90% quần thể cá lớn bị cạn kiệt và 50% rạn san hô bị phá hủy; ô nhiễm rác thải nhựa đã chạm đến nơi sâu nhất trong lòng đại dương và con người đang lấy đi từ đại dương nhiều hơn những gì có thể được bổ sung.
Vì vậy, "Hồi sinh: cùng hành động vì đại dương" được lựa chọn làm chủ đề của Ngày Đại dương thế giới 2022. Chủ đề này nhấn mạnh việc nhân loại cần khẩn trương chung tay hành động nhằm hồi sinh đại dương, phục hồi các hệ sinh thái biển, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường biển, mang lại sức sống mới cho đại dương, qua đó kiến tạo tương lai bền vững của con người và muôn loài.
Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam với chủ đề "Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển", thể hiện trách nhiệm và nỗ lực của Việt Nam trong nỗ lực chung toàn cầu về bảo vệ, phục hồi đại dương.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng gửi lời kêu gọi: "Chúng ta hãy cùng nhau cam kết hành động vì màu xanh biển, trời Tổ quốc và vì các đại dương trên Trái đất. Mỗi hành động dù nhỏ nhất vì biển và đại dương của chúng ta hôm nay chính là bảo vệ, bảo tồn và phát triển tương lai bền vững cho các thế hệ mai sau".
Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp thực chất, hiệu quả với các ban, bộ, ngành và các địa phương trên cả nước trong việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước và pháp luật quốc tế liên quan tới biển, đảo; khơi dậy niềm tự hào, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo; từng bước nâng cao chất lượng sống cho người dân, đặc biệt là người dân ven biển.
Trước đó, chiều 11/6, hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương thế giới năm 2022 với ý nghĩa thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; cùng với phong trào trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021- 2025 của Thủ tướng Chính phủ phát động, Bộ TN&MT phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên phát động Chương trình trồng cây xanh tại tháp Nghinh Phong, TP. Tuy Hòa.
Thu Cúc