Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo đó, UNICEF đánh giá cao việc Chính phủ vừa thông qua hai thông tư quan trọng, đặc biệt đối với việc phòng ngừa, bảo vệ và hỗ trợ trẻ em dễ bị tổn thương.
Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, bà Rana Flowers chúc mừng Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các chính sách quan trọng này nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận đến các dịch vụ chuyên môn, tích cực xác định phụ nữ và trẻ em có nguy cơ để cung cấp các can thiệp bảo vệ, quản lý trường hợp và ứng phó hỗ trợ.
Các thông tư hướng dẫn về các vị trí nhân viên công tác xã hội và tư vấn tại các bệnh viện và trường học là một bước đi cần thiết trong việc xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em và phụ nữ mạnh mẽ hơn, và có kết nối tốt hơn.
Bà Rana Flowers nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc nâng cao kỹ năng công tác xã hội chuyên nghiệp và nguồn nhân lực được đào tạo để giải quyết các vấn đề xã hội phức tạp, đảm bảo các giải pháp phòng ngừa mạnh mẽ, ứng phó hiệu quả với các hậu quả của bạo lực bao gồm các tác động về thể chất, tinh thần, cảm xúc và tâm lý xã hội, cũng như những thách thức về sức khỏe tâm thần ngày càng tăng ở Việt Nam.
Nhân viên công tác xã hội đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thay đổi xã hội, gắn kết và trao quyền cho mọi người. Họ có vai trò chủ lực trong hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương và bị thiệt thòi, thúc đẩy công bằng xã hội và giảm bất bình đẳng.
Trong lĩnh vực y tế, nhân viên công tác xã hội hợp tác với nhân viên y tế để giúp bệnh nhân và gia đình đối mặt với bệnh tật cũng như hỗ trợ trong suốt quá trình điều trị tại bệnh viện. Họ cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo vệ cho trẻ em và phụ nữ là nạn nhân của bạo lực và xâm hại.
"Việc Bộ Y tế ban hành Thông tư 03/2023/TT-BYT xác định vị trí việc làm của nhân viên công tác xã hội và tỷ lệ nhân viên công tác xã hội so với cán bộ chuyên môn khác trong các cơ sở y tế, là một dấu mốc quan trọng trong việc phát triển công tác xã hội trong ngành y tế", Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam nhấn mạnh.
Trong ngành giáo dục, tư vấn học đường rất cần thiết để nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh, đồng thời cải thiện kết quả học tập của các em. Thông tư 20/2023 TT-BGDĐT là một văn bản quan trọng lần đầu tiên quy định tất cả các trường tiểu học đến trung học cơ sở sẽ có vị trí tư vấn học sinh, là một vị trí nhân viên toàn thời gian ở mỗi trường cung cấp hỗ trợ tâm lý xã hội cho học sinh.
Nhân viên tư vấn học sinh cũng sẽ đóng vai trò là đầu mối cho các dịch vụ công tác xã hội và bảo vệ trẻ em trong trường học. Thông tư này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc tăng cường bảo vệ trẻ em, chăm sóc sức khỏe tâm thần và hỗ trợ tâm lý xã hội cho học sinh.
UNICEF đã và đang hợp tác chặt chẽ với các bộ ngành và cơ quan liên quan để cung cấp các bằng chứng, chuyên môn, các thông lệ quốc tế phù hợp và hỗ trợ kỹ thuật cho việc thúc đẩy mạng lưới nhân viên công tác xã hội được đào tạo chuyên nghiệp trong các lĩnh vực phúc lợi xã hội, y tế và giáo dục.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành với Chính phủ Việt Nam để cải thiện khung pháp lý nhằm công nhận vai trò và chức năng của nhân viên công tác xã hội, tăng cường năng lực của nguồn nhân lực dịch vụ xã hội, cải thiện dịch vụ bảo vệ trẻ em, tư vấn, hỗ trợ tâm lý xã hội và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho tất cả trẻ em và thanh thiếu niên, đồng thời thúc đẩy hợp tác liên ngành để giải quyết toàn diện nhu cầu của trẻ em và phụ nữ là nạn nhân của bạo lực", bà Rana Flowers chia sẻ.
"Bằng cách công nhận và đánh giá cao các nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp như những anh hùng trong cộng đồng, chúng ta sẽ đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho hàng triệu trẻ em, phụ nữ và những người dễ bị tổn thương", đại diện UNICEF bày tỏ./.
Thùy Dung