Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Báo cáo thường niên năm 2023 của Unilever toàn cầu cho biết các công ty con tại Việt Nam và Indonesia đạt được mức thu gom và tái chế rác nhựa nhiều hơn lượng sử dụng.
Báo cáo này không đưa ra cụ thể lượng nhựa đưa vào sản xuất mỗi năm. Cuối năm 2023, tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace đã công bố báo cáo về lượng nhựa tập đoàn đa quốc gia này đã sử dụng qua các năm, không phân biệt nhựa nguyên sinh hay tái sinh.
Theo Greenpeace, Unilever đã sử dụng 610.000 tấn bao bì nhựa trong năm 2017. Con số này tăng dần lên 700.000 trong năm 2018 và 2019. Lượng nhựa đưa vào sản xuất trong doanh nghiệp tăng lên 713.000 tấn trong năm 2021 trước khi giảm về 698.000 tấn vào năm 2022.
Theo Tổng Giám đốc Unilever Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân, doanh nghiệp này đã đạt trung hòa về nhựa tại Việt Nam. Từ khâu thiết kế bao bì sản phẩm, doanh nghiệp đã tính toán để tăng khả năng tái chế. Đến nay, 64% bao bì của Unilever Việt Nam có thể tái chế.
Cụ thể, doanh nghiệp đã giảm lượng nhựa nguyên sinh, tạo bao bì nhựa có trọng lượng nhẹ hơn, đồng thời sử dụng nhựa tái sinh trong sản xuất. Chai Sunlight, một trong 400 thương hiệu của doanh nghiệp, được sản xuất 100% từ nhựa tái sinh.
Nhựa là một trong bốn trụ cột phát triển bền vững của Unilever, bên cạnh khí hậu, thiên nhiên và sinh kế. Theo Unilever, trong ba năm 2021, 2022 và 2023, tổng lượng nhựa nguyên sinh sử dụng trong sản xuất bao bì đã giảm lần lượt 8%, 13% và 18% so với mốc 2019.
Công ty hàng tiêu dùng cũng đã thu gom và xử lý 61% lượng bao bì nhựa toàn cầu sau sử dụng của họ, đặt mục tiêu nâng tỉ lệ này lên 100% vào năm 2025.
MT