Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nhân Ngày Quốc tế phòng, chống ma túy, Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (26/6), phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách Văn phòng UNODC tại Việt Nam.
UNODC đánh giá như thế nào về tình hình ma túy tại khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, thưa bà?
Bà Nguyễn Nguyệt Minh: Hiện nay, methamphetamine đã trở thành mối quan ngại hàng đầu của tất cả các quốc gia ở Đông Nam Á và các nước Đông Á lân cận. Theo báo cáo của UNODC về tình hình ma túy tổng hợp trong khu vực, năm 2021, tổng cộng 171,5 tấn methamphetamine bị thu giữ ở Đông và Đông Nam Á và gần 90% trong số đó bị thu giữ ở Đông Nam Á.
Bên cạnh methamphetamine, trên thị trường mua bán trái phép còn có nhiều loại ma túy tổng hợp khác có thể gây hại đáng kể cho người sử dụng ma túy, đặc biệt là ketamine, thuốc lắc và các chất kích thích thần kinh mới.
Một lượng lớn methamphetamine đã được vận chuyển và buôn bán trái phép vào Việt Nam trong những năm gần đây. Điều này cho thấy các băng nhóm tội phạm có tổ chức coi Việt Nam không chỉ là điểm đến của thị trường tiêu thụ mà còn là điểm trung chuyển đến nước thứ ba. Quan sát của UNODC cho thấy các "luồng" buôn bán ma túy gia tăng dọc theo biên giới phía nam của Việt Nam.
Cũng như các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng các loại ma túy tổng hợp mới. Đáng chú ý nhất là chất kích thích dạng amphetamine (ATS). Điều này đặc biệt đáng chú ý hơn trong và sau đại dịch COVID-19. Theo các báo cáo của UNODC, thanh thiếu niên chiếm tỉ lệ lớn trong số những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các loại ma túy mới này.
Tình hình tội phạm, tệ nạn ma tuý ở Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ tình hình ma tuý trên thế giới và trong khu vực. UNODC đánh giá như thế nào về nỗ lực phòng chống ma túy của Chính phủ Việt Nam?
Bà Nguyễn Nguyệt Minh: Chúng tôi ghi nhận, đánh giá cao những cam kết và nỗ lực lâu dài của Chính phủ Việt Nam trong giảm cầu sử dụng ma túy và phòng, chống HIV cho người sử dụng ma túy và trong các cơ sở giam giữ.
Những nỗ lực này bao gồm: Giải quyết các vấn đề sức khỏe liên quan đến ma túy, trong đó có mở rộng mạng lưới chương trình điều trị thay thế chất dạng thuốc phiện, phân phối bơm kim tiêm và các dịch vụ y tế quan trọng khác cho người sử dụng ma túy trên khắp cả nước.
Như trên đã nói, Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng các loại ma túy tổng hợp mới, đáng chú ý nhất là chất kích thích dạng amphetamine (ATS) và thanh thiếu niên chiếm phần lớn trong số những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các loại ma túy mới này.
Do đó, trong thời gian tới, cần phải thực hiện nhiều hơn các chương trình điều trị, để đảm bảo kiểm soát việc sử dụng ma túy và cung cấp thêm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV cho nhóm dân số này.
Vậy theo bà, thách thức mà Việt Nam đang gặp phải trong phòng chống với tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy hiện nay là gì? UNODC đã và sẽ hỗ trợ gì cho các cơ quan của Việt Nam?
Bà Nguyễn Nguyệt Minh: COVID-19 đã khiến việc tiếp cận và cung cấp các dịch vụ chăm sóc, điều trị lệ thuộc vào ma túy mang tính tự nguyện và các dịch vụ giảm hại càng trở nên khó khăn hơn. Những thay đổi trong thị trường buôn bán ma túy và tình hình sử dụng ma túy trở nên phức tạp hơn từ chính các hạn chế đó. Các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát đại dịch dường như đã làm cho các vấn đề sức khỏe liên quan đến sử dụng ma túy trở nên trầm trọng hơn.
Ví dụ, chúng ta thấy sự gia tăng nhu cầu với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Không chỉ vậy, các vấn đề xã hội khác cũng trở nên trầm trọng hơn trong đại dịch như các vụ bạo lực gia đình tăng cao, khủng hoảng kinh tế gia tăng… Trong khi đó, chất lượng và mức độ bao phủ của các dịch vụ điều trị lệ thuộc vào ma túy, giảm hại đã bị ảnh hưởng, do đội ngũ y tế, chăm sóc sức khỏe phải tập trung cho các chiến dịch phòng, chống COVID-19.
UNODC đã và đang làm việc với các bộ chủ quản bao gồm Bộ Y tế, Bộ LĐTB&XH nhằm cải thiện chất lượng và mức độ bao phủ của các dịch vụ điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện, đa dạng hóa các mô hình cung cấp và các phương án điều trị hoạt động có hiệu quả trong điều kiện "bình thường mới".
Tiếp đó, chúng tôi đã đề xuất, triển khai tại Việt Nam các dịch vụ giảm hại, điều trị lệ thuộc ma túy dựa trên bằng chứng khoa học. Với sự hỗ trợ của UNODC, "Liệu pháp Gia đình" cho trẻ vị thành niên gặp rối loạn sử dụng ma túy đã được triển khai tại Việt Nam. Trong thời gian tới, chương trình tập trung vào đào tạo các kỹ năng cho thành viên gia đình và triển khai các can thiệp tại trường học nhằm dự phòng, điều trị ma túy cho thanh thiếu niên.
Bên cạnh đó, UNODC đã và đang hỗ trợ Việt Nam trong việc tăng cường các biện pháp kiểm soát biên giới nhằm ứng phó hiệu quả với tội phạm buôn bán ma túy. Kể từ năm 2001, Việt Nam gia nhập mạng lưới các văn phòng liên lạc qua biên giới (BLO) khu vực Mekong với sự tham gia của nhiều ngành khác nhau.
Đến nay, với sự hỗ trợ của UNODC, đã có 21 BLO được thành lập và hoạt động. UNODC cùng với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an Việt Nam đã tiến hành tập huấn, nâng cao năng lực cho hàng trăm cán bộ, cung cấp trang thiết bị cũng như hỗ trợ kỹ thuật cho tất cả các BLO tại Việt Nam.
Chúng tôi cho rằng các BLO đã đóng vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy hợp tác liên ngành và giữa các quốc gia trong giải quyết các nguy cơ về tội phạm xuyên quốc gia nói chung, tội phạm buôn bán ma túy nói riêng trong khu vực.
Hiện nay, các BLO đã và đang đóng vai trò tích cực trong rà soát, xử lý thông tin thu thập được từ các khu vực biên giới lân cận, chia sẻ thông tin giữa các bên có liên quan trong và ngoài nước. Với sự hợp tác hiệu quả giữa các BLO, Việt Nam đã phát hiện, xử lý một số vụ buôn bán ma túy lớn trong năm vừa qua.
UNODC có đề xuất những giải pháp nào để công tác phòng ngừa tội phạm và tệ nạn ma túy của Việt Nam đạt hiệu quả hơn nữa, thưa bà?
Bà Nguyễn Nguyệt Minh: Ma túy là một vấn đề phức tạp đòi hỏi chúng ta cần đẩy mạnh các biện pháp toàn diện từ giảm cung, đến giảm cầu và giảm hại.
Có thể thấy rằng thị trường ma túy bất hợp pháp tại Việt Nam ngày càng diễn biến phức tạp. Bên cạnh các chất dạng thuốc phiện, thị trường ma túy tổng hợp với sự nổi lên của các chất hướng thần mới ngày càng phát triển. Tuy nhiên, các loại này lại chưa được cập nhật trong hệ thống pháp luật, điều này gây khó khăn cho công tác giám định. Do đó, cần tập trung vào các biện pháp quản lý biên giới (bao gồm cả khu vực hàng hải) nhằm kiểm soát nguồn cung ma túy ngay từ cửa ngõ.
Bên cạnh đó, thị trường heroin vẫn gia tăng mạnh và tiếp tục là mối quan tâm lớn về sức khỏe cộng đồng, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục duy trì và mở rộng chương trình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện.
Mặc dù hỗ trợ bền vững cho chương trình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện là cần thiết, nhưng cần phát triển và hỗ trợ dự phòng lây nhiễm HIV cho những người sử dụng các chất gây nghiện, nhưng không tiêm chích ma túy. Nhóm này ngày càng gia tăng về số lượng và bao gồm cả những người sử dụng các loại thuốc kích thích.
Đặc biệt, gia đình là một cấu phần quan trọng của xã hội và có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ em. Đây là lý do tại sao chúng ta cần chú trọng đến đào tạo kỹ năng cho các gia đình về phòng ngừa sử dụng ma túy, để giúp trẻ em, thanh thiếu niên có thể vững vàng, không bị sa ngã.
Hiện nay, nhiều nước trong khu vực hiện còn duy trì việc cai nghiện bắt buộc, tuy nhiên, một số nước đã có kế hoạch cụ thể để chấm dứt việc cai nghiện bắt buộc trong các cơ sở cai nghiện. UNODC sẵn sàng hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ cai nghiện, điều trị nghiện bắt buộc sang hoạt động điều trị tự nguyện và dựa vào cộng đồng.
Ngoài ra, Việt Nam cũng rất cần triển khai và mở rộng quy mô các phương pháp can thiệp phòng ngừa, điều trị sử dụng ma túy dựa trên tiêu chuẩn quốc tế và bằng chứng khoa học, bao gồm hoạt động điều trị tự nguyện và dựa vào cộng đồng - được coi là biện pháp thay thế cho điều trị ma túy bắt buộc và các liệu pháp gia đình đối với thanh thiếu niên rối loạn nghiện chất.
Trân trọng cảm ơn bà!
Hoàng Giang (thực hiện)