Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tính đến cuối tháng 7/2013, tín dụng toàn hệ thống tăng 5,3% so với cuối năm 2012.
Theo ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN), tỷ trọng tín dụng ngắn hạn chiếm 54,44%, trung và dài hạn chiếm 45,56%, trong khi tỷ lệ này từ năm 2011 về trước xấp xỉ 70% và 30% - 35%.
Cơ cấu kỳ hạn tiền gửi trung dài hạn đang dần tăng lên so với kỳ hạn ngắn, có tính ổn định bền vững hơn.
Tín dụng VND tăng 7,46% thì tín dụng ngoại tệ lại giảm 13,05%; còn với tín dụng trung dài hạn, tín dụng VND tăng 10,27%, tín dụng ngoại tệ giảm 8,72%, trái ngược hoàn toàn với vài năm về trước.
Xu hướng tăng trưởng tín dụng nội tệ đang vượt trội so với tín dụng ngoại tệ, quan hệ ngoại tệ trong nền kinh tế đang chuyển dịch mạnh từ vay mượn sang mua bán. Tỷ trọng tín dụng khu vực nông nghiệp chiếm tới 22,91%, nếu cộng cả các chương trình tín dụng chính sách; số dư tuyệt đối là 621.584 tỷ đồng, tốc độ tăng đạt 10,69% so với 31/12/2012.
Trả lời báo chí, ngày 23/8, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết để đạt tăng trưởng tín dụng 12% cả năm thì bình quân mỗi tháng cuối năm cần tăng khoảng 1,3%/tháng. Để đạt được mục tiêu, hệ thống ngân hàng tiếp tục triển khai các giải pháp tín dụng, lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đẩy mạnh cho vay các lĩnh vực ưu tiên, giải quyết nợ xấu. Vấn đề đặt ra là cần phải cải thiện khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Hồng cũng lưu ý: “Với việc thực hiện điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng như xăng dầu, gas, điện, giá các dịch vụ y tế, lương tối thiểu thì không thể chủ quan với lạm phát”.
Từ nay tới cuối năm, NHNN vẫn kiên định với những mục tiêu về chính sách tiền tệ đặt ra từ đầu năm. NHNN sẽ đưa ra các giải pháp điều hành phù hợp, sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ để điều hành linh hoạt lượng tiền cung ứng qua các kênh phù hợp, nhằm kiểm soát tiền tệ và lạm phát.
Anh Minh