Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ động viên các cơ sở sản xuất vải thiều Bắc Giang. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Sáng 29/5, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức Diễn đàn Kinh tế về sản xuất, tiêu thụ vải thiều và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh năm 2019.
Đây là năm thứ 2 Bắc Giang có sáng kiến tổ chức sự kiện có ý nghĩa này đối với việc củng cố và tôn vinh quả vải thiều - một đặc sản thiên nhiên gần gũi với người Việt cũng như các hàng hoá nông sản truyền thống của địa phương đang mang lại thu nhập ngày càng cao, bền vững cho người nông dân và doanh nghiệp.
Năm 2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng đã tới tham dự Diễn đàn lần thứ nhất và năm nay, ông cùng với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, lãnh đạo các Bộ: Công Thương, VHTT&DL, VPCP, lãnh đạo các thành phố lớn, các doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp chế biến thực phẩm và một số địa phương của Trung Quốc tiếp tục tham dự Diễn đàn.
Trong vụ vải thiều năm 2018, Bắc Giang đã thu hoạch 215.800 tấn vải, tổng giá trị ước đạt 5.755 tỷ đồng, tăng 124.300 tấn và 448 tỷ đồng so với sản lượng và giá trị của vụ vải thiều năm 2017.
Cụ thể, sản lượng vải tiêu thụ trong nước đạt 118.700 tấn (chiếm 55% tổng sản lượng tiêu thụ). Phần còn lại là xuất khẩu tới 30 quốc gia, nhiều nhất là sang Trung Quốc rồi tới EU, Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan và Australia,... với trị giá trên 170 triệu USD.
Nhờ mức thu từ vụ vải thiều nên chỉ qua 9 tháng đầu năm 2018, tỉnh Bắc Giang đã vượt trên 11% dự toán thu ngân sách địa phương của cả năm, đồng thời đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế địa phương tới 16%.
Từ quả vải tươi có thể chế biến ra nhiều sản phẩm đa dạng khác để tăng thêm giá trị. Ảnh: Thành Chung |
Trong năm 2019, diện tích trồng vải thiều của Bắc Giang duy trì trên 28.000 ha, sản lượng ước đạt 150.000 tấn. Bắc Giang coi trọng cả thị trường trong nước và nước ngoài khi tiêu thụ vải thiều.
Năm nay thời gian thu hoạch vải thiều sớm, dự kiến từ ngày 25/5; vải thiều chính vụ thu hoạch từ ngày 5/6 đến ngày 5/7.
Đáng chú ý, năm 2019 là năm đầu tiên huyện Lục Ngạn có sản phẩm vải thiều hữu cơ với diện tích 20 ha. Các vườn vải tham gia mô hình vải thiều hữu cơ được lắp camera giám sát, có nhật ký chăm sóc là nhật ký điện tử, vải thiều hữu cơ có nhiều ưu điểm vượt trội, có tiềm năng phát triển rộng rãi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái nói đây là vụ vải thiều đạt sản lượng và giá trị cao nhất từ trước tới nay. Ông Thái vui mừng cho biết quả vải to hơn, mẫu mã đẹp hơn và thơm ngon hơn trước.
Hiện UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo các cơ quan chức năng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, thương nhân đến thu mua, tiêu thụ vải thiều, nhất là các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp, thương nhân nước ngoài. Các cơ quan chức năng của tỉnh cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và giá cả hợp lý.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chuẩn bị các kho, bãi tập kết phương tiện vận tải; các điểm cân vải thiều tập trung, dịch vụ môi trường... đảm bảo rộng rãi, sạch sẽ thoáng mát, thuận tiện giao thông và các dịch vụ hỗ trợ khác.
Tại Diễn đàn, Tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc Hồ Toả Cẩm đánh giá cao chất lượng vải thiều của Việt Nam do thích hợp với khẩu vị của người tiêu dùng Trung Quốc; khẳng định sẽ tạo điều kiện để quả vải được thông quan, tiêu thụ thuận lợi tại thị trường Trung Quốc.
Nhiều nhà phân phối lớn trong nước như Saigon co.op, BigC cũng đã lên kế hoạch để thu mua, bảo quản và tiêu thụ vải Bắc Giang trên các kệ hàng.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá kết quả của ngành sản xuất nông nghiệp Bắc Giang nói chung và nghề trồng vải thiều nói riêng trong năm 2018 đã góp phần giúp cho toàn ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng 3,76% và 40 tỷ USD giá trị hàng nông sản xuất khẩu, trong đó 1/3 là sang thị trường Trung Quốc - là thị trường chiến lược của Việt Nam trong thời gian tới.
Diễn đàn là một sáng tạo của Bắc Giang, có sức lan toả mạnh mẽ tới kết nối sản xuất- tiêu dùng trên toàn tỉnh và nhiều địa phương khác. Quả vải đã xuất hiện trên thực đơn của hãng hàng không quốc gia trên các chuyến bay đến Pháp, Hoa Kỳ… Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn năm nay, quả vải sẽ tiếp tục “được mùa, được cả giá”như năm 2018.
Năm nay, Diễn đàn quy mô lớn hơn, chuyên nghiệp hơn với phạm vi rộng hơn, không chỉ tôn vinh vải thiều, các sản phẩm nông nghiệp mà còn nhấn mạnh tới văn hoá, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng của Bắc Giang, tạo nên sức cuốn hút của vùng đất giàu truyền thống văn hoá.
“Các doanh nghiệp không chỉ đến với Bắc Giang mà còn là hoạt động hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ trong kết nối cung cầu hàng hoá, kết nối sản xuất và tiêu dùng vì lợi ích bền vững của nền sản xuất và đời sống nhân dân”, Phó Thủ tướng nói.
Chính phủ đánh giá cao tính năng động, sáng tạo của lãnh đạo, nhân dân, hợp tác xã, doanh nghiệp của tỉnh Bắc Giang và sự phối hợp của các bộ với các địa phương trong tiêu thụ nông sản.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tới thăm một gian hàng giới thiệu nông sản của Bắc Giang. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các ngành, địa phương Việt Nam và Trung Quốc tăng cường phối hợp trong quản lý chất lượng hàng hoá, tạo thuận lợi trong thông quan nông sản để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và người dân hai bên.
Tỉnh Bắc Giang tiếp tục củng cố thương hiệu vải thiều và các sản phẩm cây có múi, vốn cũng là thế mạnh của tỉnh. Ngoài ra, Bắc Giang cũng cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào du lịch, văn hoá.
Bộ NN&PTNT chỉ đạo, hướng dẫn tỉnh Bắc Giang thực hiện quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm vải thiều và các sản phẩm nông sản để đảm bảo các điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một số thị trường tiềm năng; bổ sung danh mục các mặt hàng nông sản, trái cây khác được nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan truyền thông phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương trong đó có Bắc Giang để thông tin, quảng bá sản phẩm tới các doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam.
Đoàn xe chở vải thiều tới nhiều siêu thị tại Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh và Thái Lan khởi hành. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Nông sản Việt Nam ngày càng chinh phục nhiều thị trường khó tính nhất thế giới. Sau 1 tháng kể từ khi quả xoài của Việt Nam vào Hoa Kỳ, tới nay các doanh nghiệp đã xuất khẩu được hơn 100 contairner xoài sang thị trường này. Ngoài xoài, thanh long cũng mới là mặt hàng mới được nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Trong khi đó, tôm tươi nguyên con, quả chôm chôm , vú sữa cũng đang là mặt hàng sẽ được các cơ quan chức năng của Australia, New Zealand xem xét để nhập khẩu trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Thành Chung