Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hôm nay (28/12 ), Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức buổi gặp gỡ báo chí để thông tin về tình hình cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, kết quả công tác năm 2022 và phương hướng năm 2023.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu-Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, đại bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài đã có địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống, hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại trong tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, đến văn hóa, xã hội, có tiềm lực đáng kể về trình độ khoa học, kỹ thuật.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó và hướng về quê hương, thực sự trở thành một bộ phận không tách rời và một nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam, đóng góp tích cực cho quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập của đất nước.
Theo Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu, tính đến tháng 6/2022, kiều bào đã có 376 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 1,7 tỷ USD và vốn góp hàng nghìn doanh nghiệp tại Việt Nam. Về kiều hối, hiện chưa có con số thống kê chính thức, nhưng theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), tổng lượng kiều hối về Việt Nam có thể tăng 4,4% trong năm 2022 và tăng 3,6-4,5% trong năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục thành danh, đạt giải thưởng cao, ghi dấu ấn trí tuệ Việt Nam trên trường quốc tế. Nhiều nhà khoa học có tên tuổi hàng đầu của Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài như GS. Ngô Đức Tuấn (Đại học Melbourne, Australia), PGS. Bùi Quốc Tính (Đại học Công nghệ Tokyo, Nhật Bản), GS. Nguyễn Đức Khương (Pháp, thỉnh giảng của Đại học Quốc gia Hà Nội) nằm trong top của 10.000 nhà khoa học ảnh hưởng thế giới. GS. Nguyễn Thị Kim Thanh (Đại học College London) là một trong 3 nhà khoa học giành giải thưởng Interdisciplinary Prize 2022 của Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Anh với đóng góp liên ngành trong nghiên cứu ứng dụng y sinh.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cũng cho biết, con em người Việt thế hệ thứ 2, 3 hiếu học, đạt nhiều thành tích học tập và có cơ hội làm việc tốt. Trong và sau đại dịch COVID-19 nổi lên một xu hướng thế hệ trẻ, du học sinh Việt Nam mong muốn về nước tìm kiếm cơ hội việc làm, lập nghiệp.
"Đây chính là nguồn lực mềm, nguồn lực bền vững, tiếp tục đóng góp tích cực vào xã hội sở tại, là cầu nối quan trọng cho quan hệ Việt Nam với các nước. Đáng chú ý, lãnh đạo mộ số nước đã gửi lời chúc mừng năm mới đến cộng đồng bằng tiếng Việt, thể hiện sự coi trọng của chính quyền sở tại đối với vai trò của cộng đồng người Việt", Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nói.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức nhiều hoạt động hướng về quê hương và tích cực hưởng ứng các hoạt động hướng về quê hương, đất nước. Năm vừa qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã ủng hộ đóng "Xuồng chủ quyền" và quà tặng quân và dân huyện đảo Trường Sa với tổng số tiền hơn 2,8 tỷ đồng.
Kiều bào luôn đồng hành và sẵn sàng ủng hộ trong nước. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, bên cạnh hơn 80 tỷ đồng tiền mặt và nhiều vật phẩm y tế trị giá y hàng chục triệu USD được bà con ủng hộ về trong nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài còn phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài triển khai ngoại giao vaccine, vận động các nước sở tại hỗ trợ vaccine, vật phẩm y tế cho Việt Nam.
Các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được củng cố và phát triển, góp phần tăng cường đoàn kết trong cộng đồng, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, là cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam và các nước, đồng thời đóng vai trò nòng cốt, tổ chức nhiều hoạt động hướng về quê hương. Đến nay, các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài đã phát triển cả về số lượng, thành phần tại nhiều khu vực với hình thức tổ chức, tính chất hoạt động đa dạng, phong phú, cơ cấu tổ chức tiếp tục được kiện toàn, củng cố.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu năm vừa qua, bà con cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Ảnh hưởng bởi căng thẳng quân sự Nga – Ukraine. Bà con ở nhiều nơi đang phải đối mặt với tình hình lạm phát, thu nhập giảm sút, giá thực phẩm và năng lượng tăng cao, dự kiến có thể kéo dài trong thời gian tới, ảnh hưởng lớn tới đời sống, công việc kinh doanh của bà con trên thế giới và nhất là tại khu vực Châu Âu.
Kể từ khi Nga tuyên bố triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (24/02/2022), gần 6.000 người Việt phải sơ tán từ Ucraina sang các nước lân cận, hiện cộng đồng chỉ còn khoảng 560 người. Nhiều nước đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga để phản đối cuộc xung đột. Chiến tranh gây ảnh hưởng lớn, trực tiếp tới đời sống, công việc kinh doanh của cộng đồng người Việt tại hai nước tham chiến. Tình hình xung đột quân sự gần đây có nhiều diễn biến nhanh, mang tính bước ngoặt, làm thay đổi tính chất của chiến dịch do Nga phát động. Các động thái của các nước và diễn biến tiếp theo của cuộc chiến đã, đang và sẽ tác động trực tiếp đến tâm lý và cuộc sống của cộng đồng người Việt tại Nga và Ucraina.
Bên cạnh đó, cuộc sống của một bộ phận bà con vẫn gặp khó khăn, địa vị pháp lý chưa vững chắc. Tình hình phạm tội trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục có diễn biến phức tạp, số lượng người Việt Nam cư trú, lao động bất hợp pháp ở một số địa bàn (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia...) vẫn ở mức cao.
Các cá nhân, tổ chức cực đoan người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục lợi dụng khai thác những vấn đề "nóng", nhạy cảm ở trong nước nhằm khơi gợi quá khứ hận thù, tuyên truyền xuyên tạc các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta; đẩy mạnh dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo một bộ phận thanh niên, sinh viên, lao động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động chống phá đất nước.
Trong năm qua, công tác nghiên cứu, tham mưu, kiến nghị chính sách được nâng tầm, phù hợp với tình hình mới, đạt được những kết quả nổi bật. Trong công tác giữ gìn và phát huy tiếng Việt trong cộng đồng, Bộ Ngoại giao đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030.
Công tác đại đoàn kết, vận động, thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được chú trọng, đẩy mạnh các hoạt động kết nối, thu hút nguồn lực doanh nhân, trí thức và các nguồn lực khác của người Việt Nam ở nước ngoài.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thành công các chương trình thường niên dành cho kiều bào nhằm tạo điều kiện cho bà con - đặc biệt là kiều bào trẻ, gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu về đất nước, chủ quyền biển đảo quê hương; qua đó thắt chặt hơn sự gắn kết, khơi dậy lòng tự hào và trách nhiệm với Tổ quốc, củng cố đại đoàn kết dân tộc.
Triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát huy nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối, thu hút nguồn lực kiều bào với nhiều hình thức đa dạng (trực tiếp kết hợp trực tuyến, tăng cường kết nối kiều bào với các địa phương, cơ quan trong nước; tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài); số lượng, quy mô kết nối, hỗ kiều trợ bào ngày càng tăng.
Công tác khen thưởng kiều bào tiếp tục được quan tâm. Công tác hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được triển khai tích cực, kịp thời, thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Đặc biệt công tác hỗ trợ cộng đồng, bảo hộ công dân Việt Nam tại Ucraina được quan tâm sâu sắc, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong và ngoài nước, cùng sự tham gia đóng góp tích cực của các hội đoàn, doanh nghiệp và cá nhân người Việt, đến nay, công tác bảo hộ công dân và hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Ucraina bị ảnh hưởng bởi chiến sự đã đạt được những kết quả quan trọng. Hầu hết bà con được sơ tán ra khỏi vùng chiến sự và di chuyển an toàn sang các nước lân cận.
Đến nay, chưa ghi nhận có công dân Việt Nam nào bị thương vong do xung đột quân sự. Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Ucraina, hiện có khoảng 560 bà con ở Ucraina, đa phần ở Odessa, một số ở Kharkov, Kiev, Donetsk và rải rác ở các thành phố khác. Bộ Ngoại giao vẫn theo dõi sát tình hình của bà con ở các khu vực giao tranh, vận động họ sơ tán đến vùng an toàn, phối hợp với hội đoàn, cộng đồng và sở tại giúp đỡ bà con trong việc di chuyển, kịp thời đưa ra các khuyến cáo phù hợp với diễn biến thực tế của cuộc xung đột để đảm bảo an ninh, an toàn tính mạng và tài sản của công dân Việt Nam.
Đối với việc hỗ trợ cộng đồng người gốc Việt tại Campuchia, Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác hỗ trợ người gốc Việt di dời, tái định cư gắn với chuyển đổi nghề nghiệp, đảm bảo sinh kế lâu dài, hòa nhập với xã hội sở tại.
Trong năm 2023, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cho biết, về chủ trương, chính sách sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan liên quan rà soát các văn bản pháp luật dành cho người Việt Nam ở nước ngoài liên quan đến quốc tịch, cư trú, đầu tư, sở hữu nhà đất, nhập xuất cảnh, miễn thị thực...; bổ sung, hoàn thiện, kiến nghị những chính sách, biện pháp đột phá mới nhằm tranh thủ tối đa, phát huy mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực kiều bào vào những vấn đề phát triển cụ thể, thiết thực của đất nước; tiếp thu ý kiến của kiều bào để kiến nghị các chính sách phù hợp, ưu tiên đối tượng trí thức, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài, kiều bào trẻ để phát huy nguồn lực tri thức, tài chính và vai trò thúc đẩy đầu tư, thương mại của kiều bào; triển khai công tác tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Về hỗ trợ cộng đồng: Tăng cường các biện pháp tổng thể, lâu dài, đặc biệt ở những địa bàn khó khăn, trong đó ưu tiên giải quyết những vấn đề liên quan tới người gốc Việt tại Campuchia; tìm giải pháp cho vấn đề nguồn kinh phí dành cho công tác hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; tiếp tục theo dõi, phối hợp với các cơ quan liên quan đấu tranh, phân hóa số cực đoan; mở rộng tiếp xúc, vận động các cá nhân có ảnh hưởng trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nhằm tăng cường đại đoàn kết; tiếp tục triển khai công tác khen thưởng kiều bào; tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ về pháp lý, giải quyết các đơn thư, khiếu nại của kiều bào gặp khó khăn, vướng mắc về chính sách pháp luật.
Về công tác đại đoàn kết, đổi mới, đa dạng hóa hình thức, linh hoạt trong biện pháp triển khai vận động người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó tập trung vào thế hệ trẻ, kiều bào còn định kiến, lực lượng nòng cốt – những người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng.
Về công tác thông tin, tuyên truyền với người Việt Nam ở nước ngoài: Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đối với người Việt Nam ở nước ngoài; thông tin thường xuyên cho cộng đồng về tình hình trong nước, các chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và các vấn đề mà bà con quan tâm; tiếp tục hỗ trợ hoạt động của một số phóng viên, cơ quan báo chí kiều bào...
Về công tác vận động và hỗ trợ doanh nhân, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp xây dựng đất nước: Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành trong nước, các tổ chức khoa học người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các hoạt động nhằm tranh thủ ý kiến đóng góp của kiều bào đối với các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, trên cơ sở bám sát các trọng tâm phát triển của đất nước; phối hợp hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đội ngũ trí thức, cộng đồng doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài; tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài, chính sách về thu hút, trọng dụng, đãi ngộ đối với chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài và chính sách thu hút đầu tư, kinh doanh, chuyển giao công nghệ của người Việt Nam ở nước ngoài.
Diệp Anh