Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hội thảo do VCCI phối hợp cùng Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan) tổ chức tại Hà Nội, sáng 27/11.
Theo khảo sát của VCCI, đa số doanh nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề hoàn thuế GTGT. |
Theo ông Đoàn Duy Khương, những chính sách, pháp luật về thuế đã thay đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tuy nhiên, một số quy định trong chính sách thuế thay đổi nhanh chóng khiến doanh nghiệp gặp khó. Nhiều doanh nghiệp cho biết có nhiều nghị định, thông tư về thuế vừa ra đã chỉnh sửa bổ sung, văn bản ra lúc nào doanh nghiệp cũng không biết.
“Điều đó khiến cho nhiều doanh nghiệp nắm bắt không kịp các thay đổi về thủ tục, chính sách thuế nói riêng và thay đổi pháp luật liên quan đến sản xuất kinh doanh nói chung. Do quy định, hướng dẫn về các loại thuế còn dàn trải ở nhiều thông tư, nghị định của các năm khác nhau, khiến doanh nghiệp lúng túng trong việc áp dụng luật thuế”, ông Khương nói.
Về quá trình thanh kiểm tra, ông Khương cho hay, các doanh nghiệp mong muốn khâu thanh tra, kiểm tra nên nhanh chóng, gọn nhẹ và đúng mục đích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển hơn.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thanh kiểm tra thuế quá chậm, đến khi kiểm tra sau 5 năm thậm chí 10 năm mới kiểm tra thì tính phí nộp chậm/ngày của chi phí không hợp lý, khiến “bị truy thu vừa tiền lãi chậm nộp lên hơn 100 triệu chẳng hạn thì doanh nghiệp chỉ còn nước phá sản”.
Nhiêu khê xác nhận nộp đủ thuế
Ông Khương nhắc tới việc khi thanh kiểm tra thuế cán bộ thuế yêu cầu mẫu biểu 08 (đăng ký tài khoản ngân hàng của khách hàng). Các doanh nghiệp cho rằng việc đăng ký tài khoản ngân hàng với cơ quan Thuế là cần thiết phục vụ cho việc quản lý thuế được chặt chẽ nhưng quy định để được khấu trừ thuế GTGT thì bên bán, bên mua đều phải đăng ký tài khoản với ngân hàng là chưa hợp lý vì bên mua không có chức năng và quyền kiểm tra bên bán xem có đăng ký tài khoản với cơ quan thuế chưa.
Cũng theo ông Khương thủ tục dành cho các doanh nghiệp nợ thuế, phạt chậm nợ thuế còn rườm ra, phức tạp, làm khó doanh nghiệp.
“Có doanh nghiệp cho biết, phát sinh thuế phải nộp quý 4 nhưng thời hạn cuối nộp rơi vào quý 1 năm sau, nên doanh nghiệp nộp vào quý 1 năm sau (vẫn được xem là nộp đúng hạn và không nợ thuế). Nhưng khi doanh nghiệp cần xác nhận nghĩa vụ nộp thuế thì không xác nhận được hay thủ tục rất rườm rà và không phản ánh đúng tình trạng nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp, vì cán bộ phụ trách nói chỉ xác định căn cứ đến 31/12 của năm đó và xem như khoản nộp vào đầu năm sau là nợ thuế", ông Khương nói.
Chưa kể, mức phạt khoản tiền chậm nộp quá cao như đã nói ở trên khiến doanh nghiệp gặp thêm khó khăn về kinh doanh. Cơ quan thuế nên xem xét, đánh giá tình hình của doanh nghiệp để có thể miễn, giảm khoản mức phạt khoản tiền chậm nộp.
Vẫn e sợ thủ tục hải quan
Trong khi đó, về lĩnh vực hải quan, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, doanh nghiệp phản ánh, công văn trả lời cho các vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp còn chung chung, chủ yếu đưa ra các thông tư, nghị định mà không có câu trả lời rõ ràng và các hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp.
Quá trình giải quyết thủ tục hành chính cán bộ hải quan còn yêu cầu một số văn bản, giấy tờ ngoài quy định. Trong một số trường hợp sự phối hợp giữa cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan chưa đồng bộ gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Thời gian giải quyết thủ tục hải quan đôi khi kéo dài hơn trên thực tế.
"Trong thực tế doanh nghiệp vẫn e sợ thủ tục hải quan do công chức cán bộ Hải quan có thể viện lý do quá tải, giải quyết hồ sơ tồn đọng trước đó… mà làm chậm hồ sơ của mình hoặc hay bắt lỗi nhỏ nhặt của doanh nghiệp để làm khó, nên doanh nghiệp phải tự mình bồi dưỡng cho công chức cán bộ Hải quan. Chi phí ngoài quy định quá nhiều”, ông Khương nói và giải thích, ở hầu hết các khâu công chức cán bộ Hải quan có tiếp xúc người làm thủ tục xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Về vấn đề kiểm tra chuyên ngành, mặc dù không trực tiếp liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu của ngành hải quan nhưng lại liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, hiện đang là một trong những rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp. "Có quá nhiều văn bản, thông tư, nghị định chồng chéo của các cơ quan chuyên ngành làm doanh nghiệp đễ bị nhiễu loạn và rối loạn thông tin", ông Khương cho biết.
Bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp theo các nghị quyết của Chính phủ. Trong lĩnh vực thuế đã rà soát, chuẩn hóa 300 thủ tục hành chính, đã thực hiện khai thuế điện tử trên cả nước với 622.650 doanh nghiệp đạt 99,64% trên tổng số doanh nghiệp; đã phối hợp với 46 ngân hàng thương mại hoàn thành kết nối thuế điện tử với các cơ quan thuế và 96% số doanh nghiệp đã đăng kí thực hiện; đã triển khai thí điểm hoàn thiện thuế điện tử cho tất cả người nộp thuế tại 63 tỉnh, thành với 2.155 doanh nghiệp khai hoàn thuế điện tử, đạt 31,94% trên tổng số 6.700 doanh nghiệp tham gia thí điểm,... Trong lĩnh vực hải quan, tiếp tục triển khai thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại tất cả các đơn vị hải quan và đến nay đã có 8,86 triệu tờ khai xử lý trên hệ thống VNACSS/VCIS với khoảng 74.600 doanh nghiệp tham gia và có hơn 573.000 hồ sơ được xử lý qua cơ chế một cửa quốc gia với sự tham gia của 14.763 doanh nghiệp. Tại Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2018 do Ngân hàng Thế giới vừa công bố, môi trường kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, tăng thêm 14 bậc và xếp hạng 68/190 nền kinh tế được đánh giá, trong đó chỉ số nộp thuế năm thứ 4 liên tiếp được đánh giá là một trong những chỉ số có tác động tích cực nhất với môi trường kinh doanh chung ở Việt Nam, tăng 81 bậc và đứng thứ 86/190. |
Thành Đạt