• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Văn kiện Đại hội Đảng bộ Bộ Xây dựng phải là 'cẩm nang' hành động

(Chinhphu.vn) - Sáng 17/7, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Tổ trưởng Tổ Chỉ đạo số 3 của Đảng bộ Chính phủ nhiệm kỳ 2025-2030, chủ trì cuộc làm việc cho ý kiến về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ Bộ Xây dựng nhiệm kỳ 2025-2030.

17/07/2025 12:47
Văn kiện Đại hội Đảng bộ Bộ Xây dựng phải là 'cẩm nang' hành động- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Tổ trưởng Tổ Chỉ đạo số 3 của Đảng bộ Chính phủ nhiệm kỳ 2025-2030, chủ trì cuộc làm việc cho ý kiến về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ Bộ Xây dựng nhiệm kỳ 2025-2030 - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Đảng bộ Bộ Xây dựng rà soát dự thảo Báo cáo trình Đại hội, bảo đảm cập nhật đầy đủ, quán triệt các chỉ đạo của Trung ương; đồng thời xây dựng kế hoạch hành động cụ thể cho giai đoạn 5 năm nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Trung ương giao đối với Chính phủ, Đảng bộ Bộ Xây dựng trong lĩnh vực hạ tầng giao thông và xây dựng.

Văn kiện trình Đại hội có tính chất tổng hợp, trong đó, Báo cáo Chính trị đóng vai trò trung tâm, bao quát toàn diện các nội dung về xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, điều lệ Đảng... Theo tinh thần chỉ đạo, các báo cáo cần bảo đảm tính khái quát cao, đồng thời gắn với chương trình hành động cụ thể về công tác xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội.

Báo cáo của Bộ Xây dựng là một phần chương trình hành động cụ thể hóa Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng toàn quốc, tập trung vào các nhiệm vụ trong lĩnh vực xây dựng và hạ tầng giao thông, bảo đảm cập nhật, quán triệt đầy đủ các chỉ đạo của Trung ương.

Bảo đảm tính khái quát cao, gắn với chương trình hành động cụ thể

Theo báo cáo tại cuộc làm việc, Đảng bộ Bộ Xây dựng có 53 tổ chức Đảng trực thuộc với hơn 9.750 đảng viên. Với phương châm "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đột phá - Phát triển", Đảng bộ Bộ Xây dựng nhiệm kỳ 2025-2030 quyết tâm, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, cùng cả nước tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, năm 2045.

Văn kiện Đại hội Đảng bộ Bộ Xây dựng phải là 'cẩm nang' hành động- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đã nêu rõ phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp..., bám sát mục tiêu ngành - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Chủ đề của Đại hội dự kiến là "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; phát huy sức mạnh đoàn kết, chung sức, đồng lòng, đổi mới, sáng tạo, xây dựng Đảng bộ, Bộ Xây dựng phát triển vững mạnh, toàn diện".

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đã nêu rõ phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp..., bám sát mục tiêu ngành. Dự thảo báo cáo cũng đề ra các chỉ tiêu phấn đấu, 3 khâu đột phá, 2 nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng...

"Trong đó, một số chỉ tiêu chủ yếu tập trung vào 3 nhiệm vụ chính về: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng; lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Bộ Xây dựng trên 9 lĩnh vực ngành; chỉ tiêu về công tác xây dựng Đảng", Bộ trưởng Trần Hồng Minh nêu.

Giải bài toán tăng trưởng 2 con số

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, bài bản, chủ động và kịp thời của Đảng bộ Bộ Xây dựng trong công tác chuẩn bị Đại hội, đặc biệt là triển khai toàn diện từ khâu cụ thể hóa các chỉ thị, văn bản của Đảng và chỉ đạo của Đảng ủy Chính phủ, đến tổ chức thành công các đại hội Đảng bộ cơ sở trực thuộc. Đến thời điểm hiện tại, các mục tiêu đề ra đã cơ bản đạt được. Đề án nhân sự phục vụ Đại hội đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng đầy đủ điều kiện để báo cáo với Đảng ủy cấp trên.

Nhấn mạnh công tác Đảng luôn gắn chặt với công tác thực hiện nhiệm vụ chính trị, Phó Thủ tướng yêu cầu Đảng bộ Bộ Xây dựng tích hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị để đạt hiệu quả cao nhất.

"Thành công của một Đảng bộ không chỉ thể hiện ở việc xây dựng tổ chức Đảng đoàn kết, vững mạnh, không để xảy ra tham ô, tham nhũng hay vi phạm kỷ luật, mà cốt lõi là thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ chính trị", Phó Thủ tướng nói.

Văn kiện Đại hội Đảng bộ Bộ Xây dựng phải là 'cẩm nang' hành động- Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, bài bản, chủ động và kịp thời của Đảng bộ Bộ Xây dựng trong công tác chuẩn bị Đại hội - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Theo Phó Thủ tướng, ngành xây dựng và giao thông có hệ sinh thái gắn bó mật thiết với nhiều lĩnh vực kinh tế trọng điểm khác. Do vậy, Đảng bộ Bộ Xây dựng cần thay đổi tư duy trong việc chuẩn bị văn kiện để đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong nhiệm kỳ tới. Trong đó cần giải được bài toán, ngành xây dựng và giao thông sẽ đóng góp như thế nào từ nội lực của chính ngành mình, đồng thời thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế khác phát triển.

"Nếu các đồng chí không suy nghĩ về việc này thì ai sẽ nghĩ? Ai sẽ làm thay? Chính phủ sẽ cụ thể hóa các định hướng phát triển, nhưng để cụ thể hóa thành hành động thì ngành xây dựng phải là lực lượng thực hiện. Không ai có thể làm thay được", Phó Thủ tướng đặt vấn đề và đề nghị Đảng ủy Bộ Xây dựng chắt lọc những nội dung trọng tâm trong các văn kiện, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.

Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là hai "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt

Nội dung thứ hai, Đảng bộ Bộ Xây dựng cần quán triệt và cụ thể hóa 2 yêu cầu lớn: Đổi mới toàn diện theo hướng chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Từ các lĩnh vực xây dựng, giao thông, hàng không, đường sắt, đến vật liệu xây dựng, phát triển nhà ở, kiến trúc… đều phải xác định rõ con đường chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Đây là hai nhiệm vụ xuyên suốt, mang tính nền tảng. Để thực hiện thành công, phải bắt đầu từ chuyển đổi tư duy, thiết kế khung pháp luật, và tiến tới chuyển đổi mô hình tổ chức công việc.

"Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là hai "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt nghị quyết của Đảng bộ Bộ Xây dựng nhiệm kỳ này, mở ra cánh cửa đưa đất nước bước vào một kỷ nguyên mới, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại".

Bên cạnh đó, nội dung nghị quyết nhiệm kỳ này Đảng bộ Bộ Xây dựng cần tập trung giải quyết một số vấn đề xã hội cấp thiết, không chỉ của ngành mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội như: Thị trường bất động sản, kinh tế đô thị, kinh tế nông thôn, nhà ở xã hội… Đây là những trọng tâm chiến lược, cần được xác định rõ trong văn kiện Đại hội, thể hiện trách nhiệm của Đảng bộ trong việc điều hành, định hướng và phát triển ngành xây dựng gắn với sự phát triển bền vững của đất nước.

Về một số lĩnh vực cụ thể, Phó Thủ tướng đề nghị Đảng bộ Bộ Xây dựng khẳng định lại rõ ràng trong tư duy và hành động về phát triển ngành hàng hải quốc gia. Theo đó, phải xây dựng đội tàu mạnh, hình thành các cảng chiến lược, các trung tâm vận hành (hub) gắn với doanh nghiệp nhà nước lớn, cũng như khuyến khích, nhân rộng mô hình đội tàu vận tải của doanh nghiệp tư nhân.

Tương tự, đối với ngành hàng không cần có sự thay đổi tư duy, mô hình phát triển, từ chính sách đầu tư cảng hàng không, dịch vụ bảo trì kỹ thuật, đến kết nối hàng không với du lịch và kinh tế. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các hãng hàng không mạnh là nhờ vào hệ thống cảng hàng không mạnh, được nhà nước đầu tư, bảo đảm, tạo cơ chế vận hành ưu tiên. Trong khi đó, các hãng hàng không Việt Nam hiện chưa được hưởng ưu đãi, đang phải cạnh tranh bất lợi ngay trên thị trường nội địa.

Đối với lĩnh vực xây dựng, các điểm nghẽn trong pháp luật quy hoạch, đất đai cần sửa đổi kịp thời để đáp ứng yêu cầu mới, trong bối cảnh địa giới hành chính đã thay đổi, để tránh tình trạng lúng túng trong quản lý tại các địa phương.

Phó Thủ tướng yêu cầu Đảng ủy Bộ Xây dựng phân công rõ lãnh đạo phụ trách từng nhóm lĩnh vực. Mỗi nhóm cần xây dựng một định dạng văn kiện gồm: Mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và cách tổ chức thực hiện, trong đó có các nội dung về đầu tư, pháp luật và quy hoạch. Việc biên tập báo cáo và nghị quyết phải theo cấu trúc chuẩn, ngắn gọn, rõ ràng, dễ học, dễ nhớ, dễ triển khai. Đây là yêu cầu cấp thiết để đảm bảo văn kiện Đại hội không chỉ mang tính chính trị, mà còn là công cụ hành động hiệu quả cho nhiệm kỳ mới.

Văn kiện Đại hội phải có các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ cụ thể, khả thi trong từng nhóm lĩnh vực. Báo cáo chính trị không được dừng ở những nội dung hình thức, chung chung, mà phải cụ thể hóa thành chương trình hành động có thể triển khai được trong 5 năm tới. Đặc biệt, công tác xây dựng Đảng cũng phải có chỉ tiêu, nhưng phải là những chỉ tiêu thiết thực, gắn với nhiệm vụ chính trị. Những vấn đề mang tính tầm nhìn xa hơn thì cần thể hiện trong phần chiến lược. Báo cáo chính trị nhiệm kỳ tới cần có điểm nhấn riêng, phản ánh đúng yêu cầu thực tiễn, chủ đề Đại hội, "ngắn gọn, súc tích, đúng trọng tâm".

Ngoài ra, công tác xây dựng tham luận trình bày tại Đại hội phải đổi mới tư duy, tránh tình trạng hình thức, chung chung, thiếu định hướng; xác định rõ vai trò và trọng tâm nghiên cứu, thể hiện được chiều sâu chiến lược gắn với định hướng phát triển ngành. Từng tổ chức Đảng phải thể hiện được tư duy đổi mới, xác lập đúng vai trò trong tổng thể chiến lược quốc gia, đóng góp thiết thực vào công tác xây dựng Đảng và phát triển kinh tế – xã hội.

Minh Khôi