Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Ảnh: CNN |
Phát biểu trước các binh sĩ Mỹ tại Căn cứ không quân Al Asad, Tổng thống Trump khẳng định ông chưa có ý định đưa 5.000 binh sĩ rời Iraq, mặc dù Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị đánh bại tại nước này vào năm 2017.
Tuy nhiên, ông Trump đã sử dụng chuyến thăm bất ngờ này để tuyên bố rằng “nước Mỹ là trên hết” và "Mỹ không thể tiếp tục là cảnh sát của thế giới". Ông Trump nói với binh sĩ rằng: "Các bạn không thể có thêm thời gian. Các bạn đã có đủ thời gian". Ông cũng nhấn mạnh: "Thật không công bằng khi gánh nặng đều đổ lên chúng ta. Chúng ta không muốn tiếp tục bị các nước khác lợi dụng chúng ta và lực lượng quân đội phi thường của chúng ta để bảo vệ họ. Họ không trả tiền cho điều đó".
Bên cạnh đó, ông Trump còn bảo vệ quyết định gây tranh cãi của mình về việc rút binh lính Mỹ khỏi Syria, đồng thời khẳng định kế hoạch này sẽ không bị trì hoãn.
Tuy nhiên, chuyến thăm bí mật này của ông Trump đã gây lúng túng cho chính quyền Iraq và sự phản đối mạnh mẽ từ các phe phái ở nước này bởi Iraq là quốc gia hòa bình, có chủ quyền chứ không phải như năm 2003 khi đang trong tình trạng chiến tranh. Hay như năm 2014, khi Mỹ đưa binh sĩ tới Iraq tham gia nhiệm vụ chống IS và đến cuối năm 2017, chính phủ Iraq tuyên bố đã giành chiến thắng hoàn toàn trước IS.
Vì thế, Văn phòng Thủ tướng Iraq ra tuyên bố cho biết cuộc gặp giữa lãnh đạo nước này và Tổng thống Donald Trump - người bất ngờ thăm binh lính Mỹ đồn trú ở Iraq ngày 26/12 - đã bị hủy bỏ do bất đồng về cách thức tiến hành cuộc gặp.
Tuyên bố nhấn mạnh: "Bất đồng về cách thức tiến hành cuộc gặp đã dẫn tới việc sự kiện này bị chuyển thành một cuộc điện đàm".
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo chính trị và lực lượng dân quân Iraq đã lên án chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 26/12, gọi đây là hành động vi phạm chủ quyền của Iraq.
Thủ lĩnh khối Islah trong Quốc hội Iraq, ông Sabah al-Saadi đã kêu gọi Quốc hội nước này tổ chức một phiên họp khẩn nhằm “thảo luận về hành động vi phạm trắng trợn chủ quyền Iraq và tìm cách ngăn cản những động thái gây hấn của Tổng thống Trump”.
Đối thủ của khối Islah trong Quốc hội Iraq là khối Bina do thủ lĩnh dân quân Hadi al-Amiri dẫn đầu cũng đã phản đối chuyến thăm của ông Trump. Trong một tuyên bố, khối Bina nhấn mạnh: “Chuyến thăm của ông Trump là một hành động vi phạm rõ ràng và trắng trợn các quy tắc ngoại giao, cho thấy sự khinh thường và thù địch trong quan hệ của ông ta với Chính phủ Iraq”.
Trong khi đó, thủ lĩnh nhóm dân quân Asaib Ahl al-Haq được Iran hậu thuẫn, ông Qais al-Khazali khẳng định Quốc hội Iraq sẽ đưa ra quyết định trục xuất lực lượng Mỹ khỏi nước này.
Diễn biến trên cho thấy những bất lợi đang tiếp tục gia tăng lên chính quyền của Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi về sự có mặt của quân đội Mỹ ở nước này, nhất là trong bối cảnh ông Trump khẳng định khác với Syria, Mỹ chưa có kế hoạch rút quân khỏi Iraq và có thể sử dụng các căn cứ tại đây, thậm chí xây dựng thêm căn cứ mới ở Tây Bắc Iraq, để triển khai các hành động quân sự ở Syria nếu cần.
Tuyết Minh