Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Phương Thanh (thanhphuong67108@...): Vừa qua Ban chấp hành Công đoàn đề nghị Công ty tổ chức Hội nghị người lao động (NLĐ) thường niên. Nhưng Giám đốc Công ty bà Thanh cho rằng mọi vấn đề của công ty cổ phần đã được bàn bạc quyết định tại Đại hội đồng cổ đông, Hội nghị NLĐ là không cần thiết. Do vậy khi Hội nghị NLĐ được tổ chức chỉ có Giám đốc nói chuyện thời sự rồi tuyên bố bế mạc, không báo cáo, không thảo luận và không biểu quyết.
Bà Thanh hỏi: Việc tổ chức Hội nghị NLĐ như vậy có đúng quy định không?
Thắc mắc của bà Nguyễn Thị Phương Thanh được Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng, Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Tại Điều 5 Quy chế thực hiện dân chủ ở Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH), ban hành kèm theo Nghị định số 87/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 của Chính phủ quy định hàng năm, người quản lý công ty có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn tổ chức Hội nghị NLĐ trong công ty.
Nội dung chủ yếu của Hội nghị NLĐ là bàn giải pháp thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh mà Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên đã thông qua; đánh giá việc thực hiện thoả ước lao động tập thể, các nội quy, quy chế của công ty; những vấn đề khác liên quan tới quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.
Để hướng dẫn tổ chức, hoạt động Hội nghị NLĐ tại công ty cổ phần, công ty TNHH, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã ban hành Thông tư Liên tịch số 32/2007/TTLT-BLĐTBXH-TLĐLĐVN ngày 31/12/2007 với những điểm cơ bản như sau:
Mục đích tổ chức Hội nghị NLĐ
Tổ chức Hội nghị NLĐ trong công ty cổ phần, công ty TNHH nhằm phát huy quyền dân chủ trực tiếp của NLĐ; tạo điều kiện để NLĐ được biết, được tham gia ý kiến, được quyết định và giám sát những vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ và trách nhiệm của NLĐ.
Đồng thời, thông qua thực hiện dân chủ trực tiếp tại Hội nghị NLĐ xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, góp phần phòng ngừa và hạn chế tranh chấp lao động; thực hiện dân chủ trong khuôn khổ pháp luật, xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững.
Nội dung Hội nghị NLĐ
Theo hướng dẫn tại Điểm 2, Mục II, Thông tư Liên tịch số: 32/2007/TTLT-BLĐTBXH-TLĐLĐVN thì ngoài phần nghi thức, phần nội dung Hội nghị NLĐ toàn công ty được tiến hành như sau:
Giám đốc công ty báo cáo các nội dung:
- Báo cáo kết quả sản xuất, kinh doanh năm qua; tình hình thực hiện các chế độ chính sách liên quan tới quyền, lợi ích của NLĐ;
- Trình bày phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch, biện pháp phát triển sản xuất, kinh doanh, phương án sắp xếp tổ chức bộ máy quản lý điều hành, sắp xếp lao động, đổi mới thiết bị, công nghệ trong thời gian tới;
- Báo cáo đánh giá về các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, đào tạo và đào tạo lại nghề cho NLĐ;
- Báo cáo tình hình xây dựng và thực hiện các nội quy, quy chế của công ty, những nội dung sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh và mô hình quản lý của công ty;
- Báo cáo công khai mức trích lập quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, trích nộp kinh phí công đoàn, trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; công khai tài chính về các nội dung liên quan đến NLĐ;
- Trả lời các câu hỏi của đại biểu có liên quan đến công tác điều hành, quản lý, tiếp thu và giải quyết các kiến nghị thuộc thẩm quyền của Giám đốc;
- Tiếp thu các nội dung để kiến nghị với Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Đại Hội đồng cổ đông giải quyết theo thẩm quyền.
Ban chấp hành Công đoàn công ty báo cáo nội dung:
- Báo cáo kết quả tổ chức hoạt động Hội nghị NLĐ cấp phòng, ban, phân xưởng, đội sản xuất và các kiến nghị của NLĐ đã tập hợp từ hội nghị cấp dưới;
- Báo cáo việc tham gia xây dựng, sửa đổi các nội quy, quy chế liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của NLĐ;
- Báo cáo tình hình sử dụng quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng, thực hiện Thỏa ước lao động tập thể, những nội dung đã được thực hiện, chưa thực hiện được, nguyên nhân chưa thực hiện;
- Trình bày nội dung dự thảo Thỏa ước lao động tập thể mới hoặc dự thảo sửa đổi, bổ sung Thỏa ước lao động tập thể;
- Báo cáo các kiến nghị của tập thể NLĐ với Giám đốc công ty, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông;
- Tiếp thu ý kiến của đại biểu về những vấn đề thuộc vai trò, trách nhiệm của Công đoàn.
Tiếp đó, các đại biểu thảo luận tại hội nghị và tiến hành ký kết Thỏa ước lao động tập thể mới hoặc ký sửa đổi, bổ sung Thỏa ước lao động tập thể (khi đã hoàn thành thương lượng theo luật định).
Đồng thời, Hội nghị cũng công bố việc khen thưởng, phát động thi đua, ký kết các giao ước thi đua phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh năm kế hoạch. Toàn thể Hội nghị tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị NLĐ.
Như vậy, nếu trường hợp bà Nguyễn Thị Phương Thanh phản ánh là đúng sự thật thì Hội nghị NLĐ đó đã không được thực hiện đúng mục đích, nội dung, vi phạm nguyên tắc tổ chức Hội nghị, vi phạm quy định tại Điều 5 Quy chế thực hiện dân chủ ở công ty cổ phần, công ty TNHH, ban hành kèm theo Nghị định số 87/2007/NĐ-CP, không thực hiện đúng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch nêu trên.
Do vậy, để đảm bảo việc thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp, Ban chấp hành công đoàn công ty cần kiến nghị yêu cầu Giám đốc tổ chức lại Hội nghị NLĐ.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.