Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời câu hỏi của ông Thái như sau:
Tại Điều 512 Bộ luật Dân sự quy định: “Hợp đồng mượn tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, còn bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được”.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 515 Bộ luật Dân sự thì trường hợp bên cho mượn thỏa thuận để bên mượn được sửa chữa hoặc làm tăng giá trị tài sản mượn thì bên mượn có quyền yêu cầu bên cho mượn thanh toán chi phí hợp lý cho việc sửa chữa đó.
Tương tự, nếu bên mượn tự ý sửa chữa mà không có sự thỏa thuận, đồng ý của bên cho mượn, hoặc bên cho mượn đã có ý kiến phản đối, thì bên cho mượn không có nghĩa vụ đền bù cho bên mượn.
Trường hợp ông Thái phản ánh, nếu bên mượn và ông đã thỏa thuận để bên mượn xây dựng nhà ở trên đất, thực tế đã làm tăng thêm giá trị đất ở cho mượn, thì ông có nghĩa vụ thanh toán cho bên mượn chi phí xây dựng nhà hợp lý, nếu bên mượn có yêu cầu.
Nếu ông Thái không thỏa thuận, không đồng ý hoặc đã có ý kiến phản đối việc sửa chữa, cơi nới, xây dựng thêm trong khuôn viên đất ở cho mượn thì về nguyên tắc ông không có nghĩa vụ đền bù.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy không ít trường hợp khi bên cho mượn đòi lại nhà, đất cho mượn, cho ở nhờ đã phải hỗ trợ bên mượn, bên ở nhờ kinh phí tìm chỗ ở mới, mặc dù việc mượn, ở nhờ đó không phải trả tiền, song bên mượn không được bên cho mượn đồng ý, cho phép sửa chữa, cơi nới, xây dựng mới... Từ đó nhận thấy việc cho mượn tài sản, cho ở nhờ cần thiết phải thỏa thuận bằng một hợp đồng chặt chẽ, tránh phát sinh rủi ro, tranh chấp.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.