Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời bà Khuyết như sau:
Cách thức xử lý, nơi thụ lý giải quyết việc chồng bà Khuyết chung sống như vợ chồng, có con với người phụ nữ khác phải căn cứ vào tính chất mức độ vi phạm pháp luật của người vi phạm và mục đích giải quyết vụ việc này của bà Khuyết.
Mục đích thuyết phục
Nếu mục đích của bà Khuyết là thuyết phục để chồng và người phụ nữ vi phạm chế độ một vợ, một chồng nhận thức được sai phạm, tự nguyện sửa chữa, chấm dứt hành vi vi phạm, thì bà cần kiên nhẫn khuyên bảo, hoặc nhờ bà con thân thích hoặc cơ quan, tổ chức nhắc nhở để họ chấm dứt quan hệ. Nếu đã được khuyên bảo, nhắc nhở nhiều lần nhưng chồng bà và người phụ nữ đó vẫn tiếp tục quan hệ thì bà cần trình báo với UBND cấp xã, cơ quan công an nơi chồng bà và người phụ nữ đó đang chung sống như vợ chồng để giải quyết.
Khi phát hiện được việc chồng bà Khuyết và người phụ nữ vi phạm chế độ một vợ, một chồng, cơ quan có thẩm quyền sẽ lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực hôn nhân và gia đình.
Điểm a, điểm b, khoản 1 và khoản 2 Điều 8 và Điều 3 Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21/11/2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình quy định mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng, đồng thời buộc chấm dứt quan hệ hôn nhân trái pháp luật đối với một trong các hành vi sau đây:
- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng.
- Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng.
Mục đích xử lý hình sự
Nếu việc chung sống như vợ chồng của chồng bà Khuyết với người phụ nữ khác thực hiện một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng đã có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó... Đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, có thể là làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát… Chồng bà Khuyết, hoặc người phụ nữ kia đã bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng nhưng chưa qua 1 năm kể từ ngày thi hành xong quyết định xử phạt, hoặc từ ngày hết hiệu lực thi hành quyết định xử phạt mà vẫn tiếp tục vi phạm, thì bà Khuyết và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có thể làm đơn tố giác tội phạm, gửi tới cơ quan công an nơi chồng bà Khuyết và người phụ nữ khác chung sống xem xét giải quyết theo thủ tục tố tụng hình sự.
Nếu có đủ căn cứ, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng quy định tại Điều 147 Bộ luật Hình sự, có thể bị Tòa án phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm và buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng.
Mục đích ly hôn
Nếu bà Khuyết thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài được, chồng bà Khuyết đã được nhắc nhở, hòa giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục chung sống với phụ nữ khác như vợ chồng, bỏ mặc bà; hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm bà, thì theo quy định tại Điều 85 Luật Hôn nhân và Gia đình, bà Khuyết có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc bà ly hôn với chồng bà theo thủ tục tố tụng dân sự. Bà gửi đơn khởi kiện ly hôn, kèm theo các tài liệu, chứng cứ tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi chồng bà sinh sống, đăng ký hộ khẩu thường trú để được thụ lý giải quyết.
Luật sư Lê Văn Đài
VPLS Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.
Tin, bài liên quan:
>> Về xử lý vi phạm chế độ một vợ, một chồng