Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trong phiên giao dịch cuối tuần hôm 3/10, giá dầu giảm sâu, dầu thô ngọt nhẹ trên thị trường New York có lúc giảm xuống 88,18 USD/thùng, thấp nhất trong 17 tháng qua, trước khi hồi phục nhẹ trở lại mức 91,01 USD/thùng vào lúc đóng cửa.
Dầu Brent tại London kỳ hạn giao tháng 11 trên sàn ICE giảm 74 cent (-0,8%) xuống 93,42 USD/thùng, thấp nhất kể từ 28/6/2012. Như vậy, cả tuần này giá dầu đã giảm 4,1% và giảm tổng cộng 16% so với mức đỉnh hồi giữa tháng 6/2014.
Theo các chuyên gia, có ba nguyên nhân chính khiến giá dầu có xu hướng giảm. Thứ nhất, nguồn cung dồi dào; thứ hai, nhu cầu giảm tại nhiều khu vực trên thế giới và cuối cùng là đồng USD mạnh hơn.
Giá "vàng đen" giảm mạnh xuất phát từ lo ngại nguồn cung từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong tháng 9 đạt mức cao nhất trong vòng hai năm qua, nhờ sản lượng khai thác dầu tăng cao ở Saudi Arabia và Libya.
Trong tuần qua, Saudi Arabia, nước khai thác dầu nhiều hàng đầu thế giới đã hạ giá bán dầu giao tháng 11 xuống mức thấp nhất nhiều năm, một dấu hiệu mà nhiều nhà quan sát thị trường cho rằng Saudi Arabia đang cố gắng giữ thị phần thay vì giữ giá bán và cạnh tranh giá cả với các nhà sản xuất lớn khác. Trong khi đó, sản lượng dầu Mỹ đã vượt dự đoán và Libya, nước khai thác dầu lớn khác đã khiến thị trường sốc với việc tăng sản lượng trong những tháng gần đây.
Việc OPEC điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu về dầu mỏ toàn cầu cho cả năm 2014 và 2015 tiếp tục phủ bóng đen lên thị trường năng lượng thế giới.
Giá dầu liên tục giảm trong nhiều tháng do lo ngại nguồn cung dồi dào, nhất là từ Mỹ, trong khi nhu cầu yếu ớt. Các nhà dự báo đã giảm viễn cảnh nhu cầu dầu trong năm nay và năm tới. Niềm lạc quan về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Mỹ-nước tiêu thụ dầu mỏ hàng đấu thế giới đã khiến chỉ số sức mạnh đồng USD trong quý III vừa qua đạt mức tốt nhất trong vòng 6 năm và chạm mức cao trong vòng 4 năm vào hôm 30/9. Ngược lại, đồng Euro lại giảm xuống còn 1,2571 USD, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 9/2012 sau khi Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) công bố số liệu cho thấy lạm phát trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu lên đến đỉnh điểm hồi tháng 10/2009.
Theo các nhà phân tích tài chính, giá trị của đồng USD tăng mạnh đã khiến dầu mỏ- mặt hàng được định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt hơn đối với những khách hàng sử dụng các tiền tệ có giá trị thấp hơn. Hôm 3/10, USD tiếp tục tăng giá so với các đồng tiền trong giỏ tiền tệ khi số liệu việc làm tại Mỹ tăng vượt ước tính. USD mạnh lên sẽ khiến dầu trở nên đắt hơn đối với người mua sử dụng ngoại tệ, dẫn đến việc cắt giảm nhu cầu về dầu.
Giá dầu giàm liên tục đã khiến các công ty kinh doanh trong lĩnh vực dầu khí lâm vào tình trạng khó khăn lớn. Chẳng hạn, cổ phiếu của hãng dầu mỏ lớn nhất thế giới - Exxon Mobil đã giảm gần 9%. Với cổ đông, điều này tương đương 36,85 tỷ USD vốn hóa của công ty đã bốc hơi.
Các nhà phân tích dự đoán giá dầu có thể giảm nữa chừng nào sản lượng ở các khu vực khoan dầu chính trên khắp thể giới vẫn không giảm bớt./.
Nguyễn Chiến