Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chương trình GDPT 2018 có sự sắp xếp, cân đối thời gian, thời lượng, nội dung cho từng môn học, trong đó có môn Lịch sử.
Ở cấp học THCS - giai đoạn giáo dục cơ bản, môn Lịch sử được bố trí dạy ở tất cả các lớp (từ lớp 6 đến lớp 9). Nội dung môn Lịch sử trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại. Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, trong toàn cấp THCS tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, toàn diện.
Ở cấp THPT - giai đoạn định hướng nghề nghiệp, môn Lịch sử được bố trí là một môn trong tổ hợp xã hội. Các chuyên đề, chủ đề của môn Lịch sử cấp THPT là những nội dung chuyên sâu, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn các nội dung cơ bản ở cấp THCS. Ở giai đoạn này học sinh bắt buộc phải học 5 môn lựa chọn trong 3 tổ hợp. Học sinh chọn tổ hợp xã hội là đã có môn Lịch sử. Học sinh chọn tổ hợp tự nhiên vẫn phải chọn một môn trong tổ hợp xã hội, trong đó có môn Lịch sử (học sinh hoàn toàn có thể chọn môn Lịch sử nếu thấy môn này cần thiết cho bản thân, hoặc cần thiết để phục vụ định hướng nghề nghiệp mà học sinh lựa chọn).
Bên cạnh đó, trong chương trình GDPT tổng thể còn dành 20% thời lượng cho chương trình địa phương, do các địa phương tự biên soạn đưa vào giảng dạy theo quy định. Các nội dung lịch sử địa phương tiếp tục được đưa vào giảng dạy bắt buộc ở tất cả các lớp từ lớp 6 đến lớp 12.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định, với cách bố trí như vậy, môn Lịch sử bảo đảm đáp ứng được vai trò giáo dục lịch sử cho học sinh phổ thông.
Nhật Nam