Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Tùy vào thầy thuốc
Theo tìm hiểu của phóng viên, lo lắng lớn nhất của các bác sĩ hiện nay về thuốc nội là hiệu quả điều trị bệnh.
Các loại thuốc nội hiện nay được sử dụng nhiều trong hệ thống điều trị chủ yếu là kháng sinh (thế hệ cũ), thuốc giảm đau, kháng viêm… Còn các loại thuốc có nhu cầu sử dụng lớn trong nhi khoa như acid amin, albumin, amiodarone, budesonide, caspofungin… thì trong nước chưa sản xuất được. Các loại thuốc đặc trị thì càng hiếm.
Chị Trịnh Thị Vân (Hà Nội) đến khám chuyên khoa về da liễu tại một bệnh viện trên địa bàn Hà Nội cho biết, tiền khám và xét nghiệm mất 485.000 đồng nhưng khi mua thuốc theo đơn của bác sĩ kê thì hơn 2 triệu đồng (gấp hơn 4 lần so với tiền khám, xét nghiệm). Đơn thuốc của chị Vân được bác sĩ kê 5 loại (gồm cả uống, rửa mặt, bôi da) và đều là thuốc ngoại.
“Đối với các bệnh chuyên khoa như thế này, mình chỉ có thể mua thuốc theo đơn của bác sĩ, không có thuốc có thành phần tương tự, thậm chí chỉ có ở chuyên khoa đó mới có thuốc mà bác sĩ kê, ra ngoài không mua được”, chị Vân chia sẻ.
Với những chuyên khoa như thế này, hầu hết các bác sĩ còn e ngại khi sử dụng thuốc nội.
Tại Khoa Cấp cứu, chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, bác sĩ Lê Ngọc Duy, Phó Trưởng Khoa cho biết, vì đây là tuyến cuối và là nơi luôn phải tiếp nhận bệnh nhân nặng nên các bác sĩ buộc phải kê thuốc ngoại nhiều hơn, chiếm khoảng 70%, còn lại là thuốc nội. Thuốc nội chủ yếu là kháng viêm, giảm đau…
Và thực tế, người dân khi đi khám chữa bệnh, sẽ mua thuốc điều trị theo đơn của bác sĩ mà ít người để ý đó là thuốc nội hay thuốc ngoại.
Cạnh tranh “trên sân nhà”
Theo số liệu từ Bộ Y tế, tỉ lệ sử dụng thuốc Việt trong các bệnh viện tuyến huyện hiện nay là 68%; tại các bệnh viện tuyến tỉnh là 35%; tuyến Trung ương là 11%. So với 4 năm trước, các con số này chỉ tăng lên từ 5-7%.
Đặc biệt, giá trị sử dụng thuốc Việt tại các bệnh viện còn thấp. Ví dụ, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, giá trị sử dụng thuốc Việt năm 2015 là 6,5% và 9 tháng đầu năm 2016 chỉ chiếm 7,1%; tại Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí (BV tuyến tỉnh), tỉ lệ sử dụng thuốc nội là 40% nhưng giá trị sử dụng thuốc cũng chỉ đạt hơn 25%.
Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt” do Bộ Y tế phát động được ví như cú hích để các doanh nghiệp dược trong nước phát triển. Tuy nhiên, để đưa thuốc Việt vào các bệnh viện điều trị còn gặp nhiều khó khăn.
Ví dụ, Công ty Cổ phần Dược phẩm Traphaco là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành dược trong nước với doanh thu 9 tháng năm nay đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo ông Trần Túc Mã, Tổng Giám đốc Công ty, trước đây, tỉ lệ thuốc của Công ty bán vào bệnh viện chiếm 30% nhưng hiện nay chỉ còn 10%, theo đó doanh thu cũng giảm từ 30% xuống còn 12%.
“Nguyên nhân tỉ lệ thuốc bán vào trong các cơ sở y tế sụt giảm là do trượt thầu”, ông Trần Túc Mã nói.
Theo vị Tổng Giám đốc này, mặc dù thuốc có thử nghiệm lâm sàng, có cơ hội lớn để vào các bệnh viện nhưng hiện nay trong Luật Đấu thầu chưa có quy định về chính sách ưu tiên cho sản phẩm có chứng minh đầy đủ về khoa học, cũng như chưa có những quy định rõ ràng về việc khuyến khích đăng ký chất lượng và tách bạch được giá thuốc.
Trong đấu thầu thuốc nội vào bệnh viện, mặc dù Bộ Y tế đã có ưu tiên điểm kỹ thuật cho những sản phẩm có kỹ thuật tốt (như đạt GMP hoặc được giải thưởng Ngôi sao thuốc Việt…) nhưng khi tính cơ cấu tỉ trọng điểm thì tỉ trọng về giá vẫn được ưu đãi hơn, nên dù có bao nhiêu điểm kỹ thuật cũng không thể bằng điểm về giá, tức là điểm của kỹ thuật chưa được đánh giá cao, điều này có thể khiến một số doanh nghiệp chạy theo giá mà thiếu chú trọng khâu kỹ thuật, khiến chất lượng thuốc không bảo đảm.
Trong cuộc họp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào cuối tháng 10 vừa qua, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế khẳng định, thời gian tới, ngành dược sẽ có những chính sách khả thi với thực tế để các doanh nghiệp trong nước phát triển, đồng thời nâng cao chất lượng thuốc nội, trong đó sẽ chứng minh được thuốc nội tương đương sinh học (tức là tương đương trong hiệu quả điều trị bằng thuốc ngoại) thông qua những bằng chứng khoa học. Những thuốc này chắc chắn sẽ có ưu tiên trong đấu thầu.
Ông Cường cũng cho biết, Bộ Y tế đã công bố 146 sản phẩm thuốc nếu doanh nghiệp dược trong nước sản xuất đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, giá cả phù hợp thì sẽ không nhập khẩu. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp vẫn tỏ ra e ngại vì chưa có hướng dẫn, tiêu chí cụ thể rằng 146 sản phẩm thuốc nói trên như thế nào là bảo đảm chất lượng… Song, các doanh nghiệp vẫn luôn kỳ vọng vào những thay đổi chính sách có tính khả thi từ cơ quan quản lý, mà trực tiếp là Cục Quản lý dược.
Thúy Hà