Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
TS. Nguyễn Công Hoá (người ngồi cạnh Đại tướng) và lãnh đạo Cổng TTĐT Chính phủ chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2008. Ảnh VGP |
Video tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Bác Văn với tầm nhìn chiến lược khoa học công nghệ
TS. Nguyễn Công Hóa, lúc bấy giờ là Trưởng Ban quản lý Dự án đầu tư và xây dựng trang tin điện tử của Chính phủ trên Internet (Ban QLDA Website Chính phủ), nguyên Phó Tổng Biên tập Cổng Thông tin điện tử Chính phủ kiêm Giám đốc Trung tâm tin học Văn phòng Chính phủ, đã chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ quá trình xây dựng Video tư liệu quý về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
“Những bài học kinh nghiệm” là một trong những chuyên mục có giá trị quan trọng trong mục “Chính phủ qua các thời kỳ” trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Bởi vì từ xưa cha ông ta đã nói “Quốc vô lão thần như dược vô Cam thảo”, nghĩa là tri thức, kinh nghiệm của các bậc lãnh đạo lão thành của quốc gia có giá trị vô cùng quý giá, như Cam thảo có tác dụng truyền dẫn nhanh hiệu quả của các bài thuốc bổ trị bệnh xưa.
Theo quy luật của tạo hóa, con người sẽ già và mất đi, nhưng tri thức nếu được lưu giữ lại sẽ trở thành kho tài nguyên vô giá cho hậu thế. Khai thác kho tri thức quý giá này, các thế hệ lãnh đạo kế tiếp sẽ học tập được nhiều kinh nghiệm thành, bại của các bậc tiền nhân.
Nhờ phương tiện công nghệ thông tin và truyền thông đa phương tiện, việc xây dựng kho tri thức điện tử này đã trở thành hiện thực và tính hiệu quả của việc tổ chức nghiên cứu, khai thác nó là vô hạn.
Trên tinh thần đó, với tư cách là một cán bộ nghiên cứu về đảm bảo nội dung thông tin điện tử, đồng thời được giao nhiệm vụ làm Trưởng ban QLDA Website Chính phủ, từ đầu tháng 5/2005, TS. Nguyễn Công Hoá đã đề xuất, trình Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao - Trưởng ban chỉ đạo Website Chính phủ, cho phép đặt hàng và cử người phối hợp với Trung tâm Nghe nhìn Thông tấn của TTXVN làm kho tư liệu này.
Lúc đó, TS. Nguyễn Công Hoá và các đồng sự tâm niệm là việc ghi lại những hình ảnh chân thực và sinh động, phỏng vấn các vị lãnh đạo Chính phủ qua các thời kỳ sẽ là tư liệu quan trọng về những bài học thực tiễn được đúc rút qua các thời kỳ hoạt động của Chính phủ. Đây cũng là việc làm có ý nghĩa trong việc xây dựng kho lưu trữ hình ảnh về các vị lãnh đạo tiền bối của Chính phủ cho thế hệ mai sau.
Trong số các bậc lãnh đạo lão thành còn sống lúc đó, theo kế hoạch sẽ tiến hành phỏng vấn và làm tư liệu về 15 đồng chí. Tuy nhiên, do những lý do khách quan, đến nay mới có video tư liệu của 11 đồng chí hiện đang có trên chuyên mục “Những bài học kinh nghiệm”/Chính phủ qua các thời kỳ của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đề nghị xin phỏng vấn trước tiên (Đề cương phỏng vấn với Mã số VPCP-ĐH-01).
Nhờ vậy, kể từ khi khai trương Website Chính phủ (nay là Cổng Thông tin điện tử Chính phủ) đến nay, đã có hàng triệu lượt người vào xem. Giờ đây, Đại tướng đã qua đời, tư liệu lịch sử này sẽ trở thành vô giá, vì không bao giờ chúng ta có thể làm được video thứ 2 về Người nữa, TS. Nguyễn Công Hoá chia sẻ.
Cho đến nay, TS. Nguyễn Công Hoá còn lưu trữ rất cẩn thận các tài liệu về quá trình xin ý kiến Đại tướng để quay video tư liệu này. TS. Nguyễn Công Hoá cho biết: Mỗi đồng chí được chúng tôi chuyển trực tiếp hoặc gửi trước một Công văn đề nghị, sau khi được sự đồng ý, sẽ gửi thêm Đề cương nội dung phỏng vấn. Trong Đề cương có 2 câu, tuy nhiên với đức tính khiêm tốn, Đại tướng tập trung trả lời chủ yếu câu 1 của đề cương về bài học chung nhất cho sự thành công của đất nước.
TS. Nguyễn Công Hoá cho biết thêm: Là người từng tiếp xúc nhiều với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông có nhiều kỷ niệm rất sâu sắc, trong đó kỷ niệm đáng nhớ là khi ông được làm việc với Đại tướng năm 1988. Đại tướng đã trực tiếp chỉ đạo nhóm nghiên cứu xây dựng mô hình phân tích vĩ mô hệ thống kinh tế Việt Nam thời kỳ 1986-1990, thời điểm nền kinh tế nước ta đang phải đối mặt với những thách thức, khó khăn. Kỷ niệm này đã được TS. Nguyễn Công Hoá viết bài nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của người với nhan đề “Bác Văn với tầm nhìn chiến lược khoa học công nghệ”. Hiện TS. Nguyễn Công Hoá vẫn trân trọng cất giữ như báu vật bức thư riêng mà Bác Văn đã viết cho ông cách đây hơn 25 năm.