Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
|
Ảnh minh họa |
Theo một bài báo của Tạp chí phố Wall, nếu Bộ Nông nghiệp Mỹ coi cá tra, cá basa của Việt Nam là cá da trơn thì sản phẩm từ các loại cá này sẽ thuộc diện chi phối của Luật Nông nghiệp 2008 (của Mỹ) mà theo đó, cá da trơn sẽ phải chịu một chế độ kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt tới mức Việt Nam khó có thể tuân thủ vì chi phí cao và mất nhiều thời gian để lập hệ thống kiểm tra. Điều này cũng có tác dụng như một lệnh cấm nhập khẩu. Bài báo kêu gọi Tổng thống Obama ngăn chặn việc lập hàng rào bảo hộ trước sản phẩm cá basa và cá tra nhập từ Việt Nam.
Liên quan đến việc xuất khẩu cá da trơn vào Mỹ, từ đầu những năm 2000, các nhà sản xuất cá da trơn tại Mỹ thuyết phục Quốc hội thông qua luật cho rằng cá tra, cá basa của Việt Nam không phải là cá da trơn (catfish) vì không muốn sản phẩm này của Việt Nam được dùng thương hiệu đã quá quen thuộc ở Mỹ để cạnh tranh trên chính trị trường nước này. Tuy nhiên, sau khi thấy cá của Việt Nam dưới tên gọi “cá basa” hay “cá tra” vẫn bán chạy vì chất lượng tốt, họ đã đánh thuế bán phá giá tới hơn 60%. Nay từ chỗ không cho gọi cá basa, cá tra là “catfish” họ lại muốn điều ngược lại. Đơn giản là để nhằm áp đặt những quy định nghiêm ngặt theo luật mới của Quốc hội Hoa Kỳ đối với các sản phẩm cạnh tranh cao này của Việt Nam.
Ngày 21/5, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Công Phụng đã gửi thư cho gần 140 nghị sĩ Mỹ đề nghị xem xét và tác động để Bộ Nông nghiệp Mỹ không xếp cá tra và cá ba sa của Việt Nam vào danh mục cá da trơn. Đại sứ bày tỏ sự không đồng tình trước ý kiến đề nghị Bộ Nông nghiệp Mỹ định nghĩa lại cá da trơn, trong đó nhiều khả năng xếp cá tra và cá ba sa của Việt Nam vào danh mục cá da trơn.
Ngay tại Mỹ, cũng có nhiều ý kiến không đồng tình với đề xuất đưa cá tra, cá basa của Việt Nam vào danh mục cá da trơn.
Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện, Barney Frank đã gửi thư cho Bộ Nông nghiệp Mỹ phản đối ý định xếp cá tra, cá basa của Việt Nam vào loại cá da trơn .
Ông cho biết, tại Massachussetts quê hương ông, có một số nhà máy dùng nguyên liệu cá của Việt Nam và chuyện thiếu vắng cá tra hay basa sẽ ảnh hưởng tới công việc làm ăn của nhiều người Mỹ.
Cũng về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Mỹ John Connelly cho biết, nếu Bộ Nông nghiệp nước này mở rộng định nghĩa cá da trơn, bao gồm cả cá tra và cá basa sẽ là một sai lầm vì nó không chỉ gây thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản Việt Nam mà còn cả cho Mỹ. Trước tiên về phương diện thương mại, đỗ tương là mặt hàng xuất khẩu rất quan trọng của Mỹ sang thị trường Việt Nam, được dùng để hỗ trợ nuôi cá tra. Nếu sản xuất cá tra bị hạn chế, thì lượng đỗ tương xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam cũng sẽ bị hạn chế.
Bên cạnh đó, các nhà chế biến tại Mỹ đang muốn tuyển thêm nhân công để chế biến cá tra, cá basa cho nên nếu hạn chế nhập khẩu sản phẩm này, theo sau việc Bộ Nông nghiệp Mỹ mở rộng định nghĩa cá da trơn, nó sẽ ảnh hưởng tới người dân tại các bang Idaho, Massachuset, và Florida, vốn đều là những bang quan trọng của Mỹ…
Ông Connelly còn cho rằng, sản phẩm cá tra và basa của Việt Nam sạch và an toàn, nhiều người tiêu dùng Mỹ ưa thích các sản phẩm của Việt Nam. Hơn nữa, thương mại đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ Mỹ-Việt và việc tăng cường nhập khẩu cá tra, basa của Việt Nam sẽ là cơ hội vàng để giúp Mỹ gia tăng xuất khẩu sang Việt Nam.
Thanh Xuân