Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tuy nhiên, chính quyền địa phương không đồng ý theo điều kiện này mà cho rằng, sau khi nhận đất chính quyền địa phương có thể sử dụng vào mục đích khác như: đầu tư kinh doanh hoặc cho cá nhân, tổ chức thuê để kinh doanh... chứ không nhất thiết dùng để xây dựng nhà văn hóa, hoặc trụ sở làm việc.
Ông Nghiệp hỏi: Chính quyền địa phương yêu cầu như vậy có đúng quy định không? Bố ông tự nguyện hiến đất nhưng có kèm theo điều kiện như vậy có phù hợp không?
Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời câu hỏi của ông Nghiệp như sau:
Hiện nay, ở nhiều địa phương nhất là các xã, phường, thị trấn đông dân cư gặp khó khăn về quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa khu dân cư, xây dựng nhà trẻ, trường học, đường nội bộ... Nhiều địa phương đã vận động nhân dân tự nguyện hiến đất để xây dựng các công trình phục vụ lợi ích cộng đồng.
Theo đó, để việc vận động thiện nguyện đạt kết quả, thì Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ở địa phương cần nêu rõ mục đích của việc hiến đất, cam kết sử dụng đất đúng mục đích phục vụ lợi ích cộng đồng dân cư. Việc hiến tặng đất phải thực hiện trên cơ sở tự nguyện, xuất phát từ sự hảo tâm của người có quyền sử dụng đất; không cá nhân, tổ chức nào được ép buộc dưới bất kỳ hình thức nào.
Việc hiến tặng quyền sử dụng đất phải thực hiện theo hình thức, nội dung hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất quy định tại Bộ Luật Dân sự và Luật Đất đai. Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất trong trường hợp hiến tặng đất này là sự thoả thuận giữa chủ sử dụng đất với đại diện cộng đồng dân cư (có thể là Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ở địa phương đại diện), theo đó bên hiến tặng cho giao quyền sử dụng đất cho bên được hiến tặng để xây dựng công trình phục vụ lợi ích cộng đồng dân cư mà không yêu cầu đền bù, còn bên được hiến tặng cho đồng ý nhận đất để sử dụng đúng mục đích hiến tặng.
Quyền sử dụng đất cũng là một loại tài sản. Theo quy định tại Điều 470 Bộ Luật Dân sự thì bên tặng cho (hiến tặng) có thể yêu cầu bên được tặng cho (được hiến tặng) thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ dân sự trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho, mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trường hợp ông Tô Tấn Nghiệp phản ánh chính quyền địa phương vận động bố ông hiến tặng đất để xây dựng trụ sở sinh hoạt văn hóa. Bố ông Nghiệp đồng ý kèm theo điều kiện sau khi ông hiến tặng, đất phải được sử dụng sử dụng đúng mục đích xây dựng nhà văn hóa phục vụ lợi ích cộng đồng. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không đồng ý với điều kiện của bố ông Nghiệp mà cho rằng, sau khi nhận đất có thể sử dụng vào mục đích khác mà không nhất thiết dùng để xây dựng nhà văn hóa, hoặc trụ sở làm việc.
Nếu sự việc đúng như ông Nghiệp trình bày thì hai bên đã không thỏa thuận được nội dung hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, trong đó không đạt được thỏa thuận về 2 nội dung cơ bản của hợp đồng là lý do mục đích của việc tặng cho, điều kiện của việc tặng cho. Do vậy, bố ông Nghiệp có quyền từ chối việc tặng cho (hiến tặng) quyền sử dụng đất của mình.
Luật sư Lê Văn Đài
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.