Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, đến nay, số cán bộ, công chức dôi dư ở cấp huyện là 58 người (chiếm 8,22%) và ở cấp xã là 1.405 người (chiếm 14,49%). Theo kế hoạch được giao, đến 2025 phải giải quyết xong. Bộ trưởng cũng chia sẻ với các địa phương còn gặp những khó khăn trong giải quyết vấn đề này do số lượng đơn vị hành chính cấp xã lớn…
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định quan trọng để giải quyết vấn đề này; mong muốn, trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục quan tâm, tập trung, trách nhiệm để giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng về sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư trên cơ sở những chính sách hiện có, cố gắng đến hết 2025 kết thúc việc này…
Liên quan đến vấn đề về điều chỉnh quy hoạch đô thị và phân loại đô thị, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đến nay chỉ có 5/6 đơn vị hành chính đô thị cấp huyện được hình thành sau sắp xếp được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đô thị; 43/152 đơn vị hành chính đô thị cấp xã và 58/104 đơn vị hành chính thị trấn chưa được phê duyệt quy hoạch. Nguyên nhân chủ yếu là do việc sắp xếp đơn vị hành chính diễn ra trước khi kịp thực hiện điều chỉnh quy hoạch.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị các địa phương cần nỗ lực hơn, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để hoàn thành nhiệm vụ và Bộ Nội vụ cũng đang tích cực hỗ trợ các địa phương trong quá trình này.
Liên quan đến chế độ của lực lượng quản lý đô thị, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, quán triệt Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương về tinh gọn tổ chức bộ máy và Nghị quyết 56 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định 107, Nghị định 108 quy định các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, ủy ban nhân dân cấp huyện; đồng thời Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Thông tư 03 về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan xây dựng trên địa bàn cấp tỉnh và cấp huyện. Trong đó, đã quy định rất rõ về chức năng, nhiệm vụ của phòng quản lý đô thị hoặc phòng kinh tế hạ tầng, trong đó có nhiệm vụ liên quan đến quản lý đô thị. Bộ trưởng đề nghị các địa phương tiếp tục nghiên cứu để thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết của Đảng.
Ngoài ra, Chính phủ đang giao 2 địa phương tiến hành thí điểm đội trật tự đô thị là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Bộ Nội vụ đang phối hợp với hai địa phương tiến hành tổng kết, đánh giá thực trạng này như thế nào để đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định.
Liên quan đến nội dung đại biểu Quốc hội đề cập về vấn đề sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo dự kiến phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, có 49 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.247 đơn vị hành chính cấp xã cần được sắp xếp. Trong số này, có 18 đơn vị hành chính cấp huyện và 111 đơn vị hành chính cấp xã được khuyến khích sắp xếp. Tổng số các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên thuộc 54 tỉnh, thành phố trong cả nước nằm trong diện sắp xếp.
Tuy nhiên, có 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 508 đơn vị hành chính cấp xã không thuộc diện sắp xếp. Bộ trưởng Bộ Nội vụ giải thích là do các đơn vị này hội tụ một trong 4 yếu tố đặc thù không phải sắp xếp theo đúng tinh thần Nghị quyết của UBTVQH gồm: Có vị trí biệt lập, khó tổ chức giao thông kết nối với đơn vị hành chính khác. Có địa giới hành chính đã hình thành ổn định từ năm 1945 đến nay và chưa có sự thay đổi. Đơn vị có vị trí quốc phòng - an ninh trọng yếu, có truyền thống lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán riêng biệt. Đơn vị hành chính nông thôn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ là đơn vị hành chính đô thị trong giai đoạn 2023-2030.
Do đó, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, các đơn vị đặc thù này đã được địa phương đánh giá rất kỹ trong quá trình báo cáo hội đồng thẩm định và hội tụ đủ một trong các yếu tố đặc thù nêu trên nên những đơn vị đặc thù này sẽ không phải sắp xếp.
Hải Liên