Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chủ trì Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết Luật Đầu tư công năm 2019 đã quy định nhiều nội dung mới, cải cách, đột phá về tư tưởng và quan điểm quản lý đầu tư công, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo sự chủ động, linh hoạt và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong quản lý đầu tư công.
Qua đó đã nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ đầu tư đưa vào khai thác, sử dụng nhiều dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, đường cao tốc, liên vùng, ven biển… tạo kết quả rõ nét trong thực hiện đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng.
Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện, Luật Đầu tư công năm 2019 cũng đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần xử lý, tháo gỡ, một số quy định chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Đồng thời, một số quy định cơ chế, chính sách thí điểm mới được Quốc hội ban hành cũng cần cần nghiên cứu để thể chế hóa tại Luật.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương xây dựng các hồ sơ liên quan, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV theo quy trình 1 kỳ họp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động xây dựng dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), bao hàm 29 chính sách mới, gửi lấy ý kiến các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức 3 hội nghị để lấy ý kiến các đại diện Ủy ban nhân dân, các sở, ngành, Ban Quản lý dự án, Ban Quản lý khu kinh tế... tại các địa phương trên toàn quốc để hoàn thiện Luật.
Việc sửa đổi Luật Đầu tư công lần này rất toàn diện, trong khi đó tiến độ khẩn trương, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, yêu cầu về chất lượng cao nhằm khắc phục căn bản những khó khăn, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và khơi thông nguồn lực cho phát triển.
Theo ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 5 nhóm chính sách sửa đổi chính như sau: (i) Thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; (ii) Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; (iii) Nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; (iv) Thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; (v) Đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật.
Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình ủng hộ rất cao với dự thảo luật lần này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Về vấn đề phân cấp, ông bổ sung thêm một số ý để thuận lợi trong quá trình thực hiện như: Quy định rõ hơn việc phân cấp phân quyền; thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp cần được rà soát lại và chi tiết từng cấp.
Bên cạnh đó, đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đến từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Thanh Hoá cũng đồng tình với dự thảo và đánh giá cao việc bổ sung quy định dừng dự án, vấn đề phân cấp, phân quyền, đồng thời đưa ra một số kiến nghị, đề xuất một số vấn đề liên quan đến thủ tục dừng những dự án không thể triển khai; thực hiện dự án; phân cấp dự án sử dụng nguồn vốn hỗn hợp; bổ sung khái niệm vốn nhà nước ngoài đầu tư công.../.
Minh Ngọc