Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, chiều 20/11, Quốc hội nghe báo cáo về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dịch COVID-19 xảy ra đã gây hậu quả nặng nề và kéo dài, tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội, cùng với sự biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ đã làm cho nền kinh tế nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức lớn, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Việc tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về chính sách tài chính thời gian qua đã có tác động tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, sau thời gian dài chống chịu với dịch bệnh, doanh nghiệp trong nước đang trong quá trình phục hồi nên hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn.
Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy, cần tiếp tục có giải pháp về chính sách tài chính để thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước.
Trong năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đã đề ra giải pháp giảm thuế GTGT 2% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất GTGT 10% từ ngày 01/2/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
Năm 2023, trước khó khăn của nền kinh tế, Quốc hội tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Giải pháp giảm thuế GTGT cùng với các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí khác đang tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu.
Qua 4 tháng thực hiện (tháng 7, 8, 9 và tháng 10 năm 2023), chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 15,6 nghìn tỷ đồng, đã góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong đó có chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 đã góp phần vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành trong năm 2023 và nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp về giảm thuế, phí, lệ phí cho năm 2024 như: tiếp tục xem xét giảm thuế GTGT 2% và xem xét giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu như đã áp dụng của năm 2023; tiếp tục rà soát giảm mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí.
Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của giải pháp giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết số 101/2023/QH15, việc tiếp tục thực hiện giảm thuế GTGT trong 6 tháng đầu năm 2024 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là cần thiết.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, mục tiêu xây dựng và ban hành Nghị quyết nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho NSNN cũng như nền kinh tế để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Quan điểm xây dựng Nghị quyết là bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu trước mắt và lâu dài, gắn kết chặt chẽ với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng thời, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
Thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với sự cần thiết ban hành chính sách để đồng hành cùng Chính phủ trong các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Về thẩm quyền ban hành chính sách, theo quy định tại Điều 70 Hiến pháp năm 2013, Quốc hội có thẩm quyền "quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế". Do đó, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc ban hành chính sách giảm thuế GTGT là đúng thẩm quyền theo quy định.
Hồ sơ dự án Nghị quyết về cơ bản đã bảo đảm đầy đủ theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về hình thức ban hành chính sách, Chính phủ trình Quốc hội ban hành một nghị quyết độc lập về giảm thuế GTGT. Ông Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS đề nghị trình Quốc hội xem xét, thông qua chính sách giảm thuế GTGT và đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp Quốc hội, tương tự như đã thực hiện đối với chính sách giảm thuế được quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội, không ban hành nghị quyết độc lập về giảm thuế GTGT như phương án trình của Chính phủ.
Hải Liên