Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tin từ Bộ GTVT, trong các ngày từ 27/11-6/12/2023, đoàn công tác Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm dẫn đầu tham dự phiên họp Đại hội đồng lần thứ 33 của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) tại London, Vương quốc Anh.
Phiên họp lần thứ 33 là phiên họp thường kỳ được tổ chức hai năm một lần của Đại hội đồng IMO để thông qua các vấn đề quan trọng của ngành hàng hải quốc tế như: Việc triển khai các công ước quốc tế, vấn đề đào tạo, thay thế và an toàn sức khỏe thuyền viên, bầu Chủ tịch và Phó chủ tịch Đại hội đồng IMO cũng như tiến hành bầu các nước vào thành viên Hội đồng của IMO nhiệm kỳ 2024-2025.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nhấn mạnh, là thành viên của Tổ chức Hàng hải quốc tế từ năm 1984, Việt Nam đánh giá rất cao vai trò dẫn dắt quan trọng và nỗ lực của IMO vì sự phát triển bền vững của ngành hàng hải quốc tế, đặc biệt sau đại dịch COVID-19, vấn đề thay thế thuyền viên, ô nhiễm môi trường biển cũng như các vấn đề về an ninh, an toàn hàng hải khác.
Việt Nam là một quốc gia có vị trí địa chiến lược quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nằm trên tuyến hàng hải quốc tế huyết mạch nối hai đại dương lớn là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Việt Nam chia sẻ sự quan tâm chung với cộng đồng quốc tế trong việc tăng cường triển khai các công ước quốc tế của IMO trong các lĩnh vực mang tính truyền thống như an ninh, an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường biển, cũng như các vấn đề mới nổi như vận tải biển xanh, bền vững nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.
"Chính phủ Việt Nam luôn coi việc triển khai các công ước hàng hải quốc tế của IMO là một trong những ưu tiên trong phát triển ngành hàng hải Việt Nam", Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm khẳng định.
Thời gian qua, Việt Nam đã liên tục chủ động triển khai các quy định sửa đổi của nhiều công ước hàng hải quốc tế như Công ước SOLAS 1974 (Công ước an toàn sinh mạng con người trên biển), Công ước MARPOL 73/78 (Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu biển), Công ước STCW (Công ước quốc tế về các tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca thuyền viên)...
Hiện nay, Việt Nam đang hoàn tất các thủ tục nội bộ cuối cùng để gia nhập Công ước BWM 2004 (Công ước quốc tế về kiểm soát, quản lý nước dằn và cặn nước dằn của tàu 2004), dự kiến hoàn tất trong tháng 12/2023.
Thứ trưởng cũng cho biết, các nỗ lực của Việt Nam nhằm tăng cường thực hiện hiệu quả năng lượng "xanh, sạch" trong nhiều ngành và lĩnh vực, trong đó có ngành hàng hải.
"Việt Nam cam kết mạnh mẽ việc thực hiện trách nhiệm của quốc gia thành viên đối với IMO về bảo vệ môi trường, đặc biệt là vấn đề cắt giảm khí nhà kính, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu carbon thấp và không carbon" - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho hay.
"Vấn đề chuyển đổi năng lượng xanh, bền vững là lĩnh vực mới và đòi hỏi sự nỗ lực chung tay của toàn thể cộng đồng hàng hải quốc tế, đặc biệt là cần xây dựng một cơ chế hỗ trợ nguồn lực tài chính, đào tạo nhân lực, công nghệ và xây dựng hoàn thiện thể chế đối với các quốc gia đang phát triển, qua đó đảm bảo "không có quốc gia nào bị bỏ lại phía sau" trong quá trình chuyển đổi giao thông bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Việt Nam ủng hộ các sáng kiến về xây dựng những cơ chế hỗ trợ trong thời gian tới. Do đó, đề nghị các quốc gia phát triển tăng cường hơn nữa các chương trình/dự án hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển. Việt Nam cam kết tiếp tục cùng với cộng đồng hàng hải quốc tế triển khai các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu mà IMO đã đề ra", Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nhấn mạnh.
Bên lề phiên họp Đại hội đồng IMO lần thứ 33, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm đã có cuộc gặp song phương với ông Francis Zachariae, Tổng Thư ký Hiệp hội Báo hiệu hàng hải và hải đăng quốc tế (IALA).
Tại cuộc gặp, thứ trưởng cho biết, Việt Nam đã tham gia IALA từ 1960 và liên tục duy trì các hoạt động hợp tác giữa hai bên từ đó đến nay. Việt Nam đánh giá cao vai trò của IALA trong việc hỗ trợ, hướng dẫn các quốc gia xây dựng và triển khai các hệ thống bảo đảm an toàn hàng hải. Thực tế trong nhiều năm qua, các chính sách và hỗ trợ kỹ thuật của IALA đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong công tác xây dựng và hoàn thiện các quy định đối với hệ thống báo hiệu hàng hải, qua đó giúp Việt Nam thực hiện trách nhiệm của quốc gia có biển.
Hiện Bộ GTVT đang xây dựng hồ sơ trình Chính phủ xem xét, chấp thuận việc Việt Nam gia nhập Công ước Báo hiệu hàng hải và hải đăng quốc tế (IALA).
Trong thời gian tới, khi IALA thực hiện chuyển đổi từ Tổ chức phi chính phủ sang Tổ chức liên chính phủ (IGO), các quốc gia thành viên sẽ cần tiến hành các thủ tục để gia nhập công ước IALA. Việt Nam mong muốn tiếp tục cùng với các quốc gia tham gia các hoạt động của IALA nhằm cập nhật, phát triển hệ thống bảo đảm an toàn hàng hải của Việt Nam, bắt kịp với xu hướng phát triển của khu vực và thế giới. Hiện Bộ GTVT đang xây dựng hồ sơ trình Chính phủ xem xét, chấp thuận việc Việt Nam gia nhập Công ước IALA.
"Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của IALA trong công tác đào tạo cán bộ kỹ thuật, tư vấn thiết lập tiêu chuẩn hệ thống báo hiệu hàng hải, trao đổi kinh nghiệm quản lý hệ thống báo hiệu hàng hải nhằm đạt được một hệ thống báo hiệu hàng hải hài hòa và đảm bảo tính an toàn, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các phương tiện tàu thuyền, góp phần tăng cường sự an toàn cho tàu, hàng, thuyền viên", Thứ trưởng đề nghị và bày tỏ tin tưởng quá trình chuyển đổi mô hình hoạt động của IALA sẽ diễn ra thành công.
Đánh giá cao sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam những năm qua trong xây dựng hệ thống đảm bảo an toàn hàng hải, Tổng thư ký Francis Zachariae nhấn mạnh, IALA mong muốn Việt Nam sớm gia nhập Công ước IALA. Hiện đã có 25 thành viên gia nhập và cần có 30 thành viên để công ước chính thức có hiệu lực.
Trong chương trình công tác, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm đã có cuộc làm việc bên lề với Tổng thư ký IMO Kitack Lim.
Thứ trưởng cho biết, thời gian qua, Việt Nam thực hiện nhiều biện pháp và tới nay đã cơ bản khắc phục hết 8 khiếm khuyết mà đoàn đánh giá IMO đã chỉ ra trong chương trình IMSAS năm 2019.
Việt Nam cũng đang chuẩn bị hoàn tất thủ tục nội bộ để gia nhập Công ước quốc tế về kiểm soát, quản lý nước dằn và cặn nước dằn của tàu năm 2004 (BWM 2004) và dự kiến Việt Nam sẽ gửi thông báo chính thức tới IMO trong tháng 12.
"Bộ GTVT Việt Nam hiện đang triển khai xây dựng Đề án Tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại IMO và dự kiến trình Chính phủ đầu năm 2024. Theo đó, mục tiêu trước mắt sẽ là cử tùy viên hàng hải thường trực tại IMO để có thể tham gia nhiều hơn, hiệu quả hơn vào các hoạt động của IMO. Do vậy, Việt Nam mong muốn nhận được sự ủng hộ của IMO và cá nhân ông Tổng thư ký để Việt Nam có thể triển khai thành công đề án này, tiến tới mục tiêu cao hơn là ứng cử vào thành viên Nhóm C của Hội đồng IMO sau năm 2025", Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng bày tỏ mong muốn, IMO tiếp tục cử chuyên gia để hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện các hành lang pháp lý nhằm nội luật hóa hiệu quả quy định của các công ước IMO; hỗ trợ triển khai đào tạo, tăng cường nhận thức và năng lực cho đội ngũ thuyền viên và nhân lực ngành hàng hải, đặc biệt là thuyền viên nữ.
Liên quan đến thực hiện mục tiêu giảm phát thải, Thứ trưởng cho biết, Việt Nam đang dành nhiều nguồn lực để triển khai Chiến lược sửa đổi của IMO về cắt giảm phát thải khí nhà kính từ tàu trong hoạt động vận tải biển quốc tế do IMO phát động. Do vậy, đề nghị IMO tiếp tục quan tâm dành các hỗ trợ cho Việt Nam trong quá trình thực hiện cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam ủng hộ sáng kiến của Tổng thư ký Kitack Lim trong việc thành lập quỹ hỗ trợ các quốc gia đang phát triển để thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.
Đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong tham gia, thực hiện các công ước của IMO, Tổng thư ký Kitack Lim cho rằng, Việt Nam là một trong số ít các nước duy trì được tốc độ phát triển kinh tế cao trong nhiều năm liền. Do vậy việc Việt Nam sớm mở văn phòng đại diện tại Anh hoặc cử tùy viên tại IMO trong thời gian tới sẽ rất hiệu quả.
Phan Trang