Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bên lề các tọa đàm trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2023, GS. Soumitra Dutta, Đại học Oxford đã có chia sẻ về đổi mới sáng tạo tại Việt Nam hiện nay.
GS. Dutta là thành viên mới của Hội đồng Giải thưởng VinFuture kể từ năm 2023, đồng sáng lập và nhà sáng lập của Chỉ số sẵn sàng kết nối mạng (NRI) và Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII). Hai chỉ số này được sử dụng bởi hàng chục Chính phủ trên toàn thế giới và có tác động đến chính sách đổi mới công nghệ ở nhiều quốc gia.
Theo đánh giá của GS. Dutta, Việt Nam đang có nhiều lợi thế để thúc đẩy đổi mới sáng tạo khi có vị thế địa chính trị, đội ngũ lãnh đạo khao khát và sẵn sàng đầu tư cho lĩnh vực phát triển công nghệ. Cùng với đó là nguồn nhân lực dồi dào, mạnh mẽ, tinh thần sẵn sàng làm việc.
"Các quốc gia và các tổ chức trên thế giới đang ngày càng tìm hiểu và đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam cơ hội lớn để phát triển các ngành công nghiệp. Chính phủ cần tạo ra các điều kiện để thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư vào nguồn lực sản xuất trong nước, đặc biệt là sự sẵn sàng phát triển, đổi mới cho tương lai của Việt Nam", GS. Dutta nói.
Theo GS. Dutta, đổi mới sáng tạo diễn ra trong toàn bộ xã hội, chứ không riêng lĩnh vực khoa học công nghệ. Ví dụ người nông dân không có bằng tiến sĩ nhưng họ vẫn có thể đổi mới sáng tạo. Tương tự, trong lĩnh vực điện ảnh hay truyền thông, nhiều người không phải các nhà khoa học nhưng họ cũng rất sáng tạo....
Chính vì thế, Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu cho phép các quốc gia và Chính phủ đánh giá các thành phần của nền kinh tế, của xã hội tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo như thế nào chứ không nhất định cần phải đánh giá về mặt học thuật thuần túy.
Đó có thể là những sáng kiến tiên phong về khoa học nhưng cũng có những người không thuộc lĩnh vực khoa học, họ cũng góp phần vào quá trình đổi mới sáng tạo. Tất cả sẽ đóng góp vào Chỉ số Đổi mới toàn cầu.
Theo GS. Dutta, nhóm các nước đang phát triển thường tập trung nhiều hơn vào các giải pháp đáp ứng nhu cầu thị trường, sử dụng công nghệ hiện hành, kết hợp chúng theo cách phù hợp để triển khai trong bối cảnh thị trường hiện tại, giống như điều tôi gọi là “đổi mới sáng tạo tiết kiệm” (frugal innovation). “Đổi mới sáng tạo tiết kiệm” về cơ bản không dựa trên các công nghệ mới. Thay vào đó, phương án này tận dụng công nghệ hiện có, triển khai với giá cả phải chăng và phù hợp với thị trường địa phương.
Tuy nhiên, các nước mới nổi cần đầu tư nhiều hơn nữa vào khoa học chuyên sâu, công nghệ chuyên sâu và làn sóng công nghệ kỹ thuật số tiếp theo nhằm hưởng lợi từ những cải tiến trong tương lai. Nếu không, họ sẽ bị tụt lại phía sau, khoảng cách mở rộng thêm và càng khó thu hẹp.
''Tôi nghĩ là Việt Nam phải làm cả hai khía cạnh. Sử dụng công nghệ hiện có để đáp ứng nhu cầu hiện hữu của thị trường và quan trọng hơn là đầu tư vào R&D và công nghệ mới, tạo ra sản phẩm mới cho tương lai. Bởi khi tạo ra công nghệ mới sẽ mở ra lĩnh vực mới cho nền kinh tế. Và điều này đòi hỏi cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ để đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao", GS. Dutta khuyến nghị.
Là thành viên mới của Hội đồng Giải thưởng VinFuture, GS. Dutta đánh giá, giải thưởng VinFuture là một sự khích lệ lớn, truyền cảm hứng đối với các nhà khoa học. Hầu hết các giải thưởng khoa học lớn thường được trao ở các nền kinh tế phát triển. Do đó, một giải thưởng toàn cầu với giá trị lớn đến từ Việt Nam – một nền kinh tế mới nổi – có ý nghĩa rất lớn. Điều này chứng tỏ với thế giới rằng các nền kinh tế mới nổi là đối tác bình đẳng trong cuộc chơi đổi mới sáng tạo.
"Chúng ta cần nhiều hơn về nghiên cứu phát triển, những phát minh trong lĩnh vực công nghệ và những phát minh, sáng tạo ấy cần đến nhiều hơn từ các quốc gia đang phát triển. Các đề cử của năm nay rất tuyệt, nhưng tôi mong chờ nhiều hơn các đề cử đến từ chính Việt Nam và các quốc gia trong khu vực", GS. Dutta nói.
Hoàng Giang