|
Cô giáo Hà Ánh Phượng cùng học sinh của mình.
|
Ngày 11/11, tổ chức Varkey Foundation công bố top 10 giáo viên toàn cầu năm 2020. Trong đó có cô Hà Ánh Phượng, giáo viên tiếng Anh trường THPT Hương Cần (Phú Thọ).
Giải thưởng giáo viên toàn cầu được Quỹ Varkey (Varkey Foundation) thành lập năm 2014. Mỗi năm, Ban tổ chức nhận được hàng chục nghìn hồ sơ đến từ nhiều quốc gia (năm 2019 là hơn 10.000, năm 2017 là 30.000 hồ sơ, năm nay chưa công bố). Một giáo viên có đóng góp đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực giáo dục sẽ được lựa chọn để nhận giải thưởng trị giá một triệu USD.
Năm 2019, giải thưởng này thuộc về một thầy giáo nghèo ở Kenya, tên Peter Tabichi nhờ những đóng góp vật chất và tinh thần giúp học trò nghèo đi thi đạt giải quốc tế. Việt Nam có cô giáo Trần Thị Thúy (Trường THPT Đức Hợp, Hưng Yên) vào top 50.
Cô Hà Ánh Phượng, người dân tộc Mường, 29 tuổi, là giáo viên tiếng Anh một trường miền núi, nơi hơn 90% học sinh là người dân tộc thiểu số, ít có cơ hội thực hành tiếng Anh. Vào tháng 3/2020, cô giáo Hà Ánh Phượng đã lọt vào danh sách 50 giáo viên toàn cầu.
Cô Phượng là cựu sinh viên Đại học Hà Nội. Khi ra trường, cô được một công ty dược của Pakistan mời làm giám đốc đại diện kiêm phiên dịch với mức lương hấp dẫn, nhưng đã từ chối để tiếp tục học bậc thạc sĩ ngành Sư phạm tiếng Anh. Năm 2016, cô giáo Mường được tuyển đặc cách vào Trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.
Hiện, cô vừa dạy học ở Trường THPT Hương Cần vừa tham gia dạy học qua truyền hình, YouTube, hoạt động hội nhóm chuyên môn, viết sách hướng dẫn ôn thi, ra app học trực tuyến môn tiếng Anh.
Nhờ công nghệ, cô kết nối lớp học của mình với các trường học trên khắp thế giới, giúp học trò phát triển ngoại ngữ, tìm hiểu về văn hóa các nước khác. Cùng với đó, cô Phượng còn hợp tác với các giáo viên tiếng Anh ở châu Á, châu Phi, châu Âu và Mỹ để kết nối những học trò người dân tộc thiểu số với bạn bè quốc tế. Ghi nhận những nỗ lực, Global Teacher Prize đã đánh giá cô Phượng là "giáo viên toàn cầu".
Cô Phượng từng chia sẻ, cô mong muốn phá bỏ rào cản trong việc học ngoại ngữ mà học sinh dân tộc ở ngôi trường miền núi gặp phải, đem giáo dục thế giới đến gần các em.
Ngoài ra, cô còn hỗ trợ giáo viên trong và ngoài tỉnh về kỹ thuật dạy học trực tuyến và quản lý lớp. Mô hình lớp học xuyên biên giới vẫn được duy trì nhưng với cách thức khác trong tình trạng thế giới phải chống chọi với dịch bệnh.
Với những nỗ lực và thành tích đạt được trong sự nghiệp giáo dục, tháng 9 vừa qua, cô Hà Ánh Phượng được vinh danh là điển hình tiên tiến tại Đại hội thi đua ngành giáo dục toàn quốc.
Nhật Nam