Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Họp phiên toàn thể tại hội trường vào sáng 1/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Khẳng định sự cần thiết sửa đổi luật, nhiều đại biểu cho rằng cần đặc biệt quan tâm bảo đảm tính thống nhất, hợp hiến, hợp pháp của dự án Luật trong hệ thống pháp luật nói chung, tránh mâu thuẫn, chồng chéo.
Đây là dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp. Dự án luật đã được Quốc hội thảo luận tại tổ và đã có 107 lượt ý kiến phát biểu tại 19 tổ, cơ bản các ý kiến đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền để áp dụng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế, khắc phục hạn chế, bất cập của luật hiện hành, góp phần vào công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, phòng chống tham nhũng và đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ.
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ về sự cần thiết sửa đổi luật; về quan điểm, mục tiêu xây dựng luật và những nội dung chính của dự án luật.
Việc sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền phải bảo đảm yêu cầu thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng và Nhà nước; đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế, khắc phục những bất cập của luật hiện hành; bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ.
Góp phần đẩy mạnh và tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục thiếu hụt về cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo các khuyến nghị và báo cáo đánh giá của các tổ chức quốc tế, tránh việc Việt Nam bị đưa vào "Danh sách xám" và thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của khu vực cũng như trên toàn thế giới.
Nhấn mạnh việc sửa đổi Luật là yêu cầu cấp bách hiện nay nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động phòng chống rửa tiền, đại biểu K' Nhiễu (Lâm Đồng) đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của luật; dự luật phải được xem xét đánh giá toàn diện trong hệ thống pháp luật, bảo đảm không chồng chéo với các quy định của các luật khác.
Đồng quan điểm nêu trên, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) cho rằng, dự luật cần được tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa để bảo đảm phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về một số nguyên tắc khi soạn thảo, xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và bảo đảm tính phù hợp, thống nhất, khả thi của luật này trong hệ thống pháp luật hiện hành có liên quan.
Theo đó, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đề nghị tiếp tục rà soát thật kỹ lưỡng, đầy đủ, toàn diện, thận trọng các nội dung tại dự thảo luật với các bộ luật luật hiện hành như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Công chứng, Luật Luật sư… và kể cả dự thảo Luật Giao dịch điện tử đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 để bảo đảm tính hợp pháp, thống nhất, khả thi của luật trong hệ thống pháp luật.
Bày tỏ tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền, đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An) nhận định: Hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị đầy đủ, kĩ lưỡng, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Thừa Thiên Huế) cho rằng, dự thảo luật còn có khá nhiều nội dung quy định chưa rõ ràng, chưa minh bạch, còn mang nặng tính định tính. Điều này có thể sẽ dẫn đến tình trạng quy định của Luật sẽ được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, lúng túng, không thống nhất cho quá trình áp dụng và thiếu tính khả thi trong thực tiễn thi hành.
Đại biểu cho biết, theo quy định tại khoản 3 Điều 4, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là phải bảo đảm tính minh bạch trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật. Khoản 1, Điều 8 luật này cũng đã quy định rất rõ ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật phải chính xác, phổ thông phải diễn đạt rõ ràng, dễ hiểu. Tuy nhiên, trong dự thảo luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) còn khác rất nhiều quy định chưa bảo đảm quy định nêu trên.
Theo đại biểu Thái Thị An Chung, việc quy định và thực thi các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản là hết sức cần thiết, không chỉ để thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế, mà còn góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Để góp phần hoàn thiện các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản, đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng báo cáo được quy định tại khoản 2 Điều 4 là tổ chức đấu giá tài sản, bởi đấu giá là hình thức mua bán tài sản phổ biến. Nhiều năm gần đây, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra rất sôi động. Nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách ở địa phương. Do đó, cũng cần phải giám sát chặt chẽ dòng tiền tham gia đấu giá.
Đồng thời, bổ sung thêm các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản được quy định tại Điều 33 của dự thảo Luật, là khách hàng thực hiện nhiều giao dịch trở lên trong một ngày, khách hàng mua bán nhiều bất động sản trở lên trong một lần. Bổ sung trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, rửa tiền, áp dụng cho các đối tượng báo cáo là đấu giá viên, tổ chức hành nghề, đấu giá thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống rửa tiền đối với các đối tượng này.
Đại biểu Thái Thị An Chung cũng đề nghị cần sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng quy định các giao dịch bất động sản phải thực hiện thanh toán qua hệ thống ngân hàng để chống thất thu thuế, chống rửa tiền và minh bạch thị trường bất động sản.
Đóng góp ý kiến về quy định giao dịch có giá trị lớn tại khoản 5 Điều 3, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) đề nghị nên quy định cụ thể mức này trong luật để dễ theo dõi thực hiện và bảo đảm giá trị pháp lý. Trường hợp cần thiết thì mới giao cho Chính phủ, không nên giao cho Thủ tướng Chính phủ thay đổi mức này.
Một số ý kiến cho rằng, ngoài giao dịch bằng tiền mặt, bằng vàng hoặc ngoại tệ tiền mặt được Nhà nước công nhận, thì thực tế còn có các hoạt động liên quan đến tiền ảo. Giao dịch trên nền tảng trực tuyến đang rất phổ biến, chưa được kiểm soát và dự báo thời gian tới việc mở rộng hội nhập quốc tế, các giao dịch tiền ảo sẽ phát triển. Đây là điều kiện thuận tiện cho các hành vi rửa tiền mà chúng ta chưa lường hết được. Vì vậy, cơ quan soạn thảo dự án luật cần bổ sung các quy định cụ thể và chặt chẽ hơn liên quan đến vấn đề giao dịch trên nền tảng trực tuýen.
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị cần làm rõ khái niệm "rửa tiền" trong dự thảo Luật.
Theo đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh), dự thảo luật đã được nghiên cứu, thiết kế, chỉnh lý, bổ sung, nhiều quy định sát với thực tế đất nước, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, khắc phục tốt khoảng trống pháp lý và những thiếu hụt về tuân thủ kỹ thuật. Nhằm khắc phục, hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu cho rằng, về giải thích từ ngữ, cần làm rõ khái niệm "rửa tiền" trong nội dung quy định giải thích từ ngữ.
Phòng, chống rửa tiền là nhằm phát hiện nỗ lực ngụy tạo các khoản tiền bất hợp pháp thành thu nhập hợp pháp, liên quan đến các tội phạm từ trốn thuế đến buôn bán ma túy, tham nhũng, lừa đảo, tài trợ khủng bố. Thông thường rửa tiền có thể chia thành các bước, như: Gửi tiền bất hợp pháp vào hệ thống tài chính, thiết kế các giao dịch để che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của các khoản tiền, sử dụng tiền để mua bất động sản hoặc đầu tư thương mại. Đại biểu Thạch Phước Bình nêu quan điểm: "Dự thảo luật cần làm rõ hơn khái niệm 'rửa tiền' để làm rõ hơn bản chất của các hành vi này".
Về biện pháp phòng, chống rửa tiền, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị bổ sung, làm rõ nội dung về xác định khách hàng giao dịch không thường xuyên tại điểm b, khoản 2, Điều 9. Cần giải thích rõ khách hàng giao dịch không thường xuyên là các tài khoản không giao dịch trong thời gian bao lâu, cần xác định thời gian cụ thể để được hiểu thống nhất, tạo thuận lợi cho việc áp dụng công nghệ, biện pháp để giám sát, cảnh báo, điều tra kịp thời.
Hải Liên