Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
TS. Doãn Hữu Tuệ
Quan điểm, động thái và quyết sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump, cũng như cách thức đáp trả của các nước chịu tác động bởi chính sách thuế quan của Mỹ, đặc biệt là Trung Quốc, khiến cho một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu đang đến gần chúng ta hơn bao giờ hết. Khác với nhiệm kỳ năm 2018, ông Donald Trump đã thể hiện sự cứng rắn hơn với các nước đồng minh trong khu vực và châu Âu, vậy nên, nếu xảy ra, cuộc thương chiến lần này sẽ có phạm vi, tác động lớn hơn, với mục tiêu cuối cùng có thể là mang sản xuất trở lại nước Mỹ.
Nhiều chuyên gia kinh tế Việt Nam, dù chắc chắn về khả năng xảy ra cuộc thương chiến toàn cầu, vẫn chưa thể tự tin tiên liệu về tác động của nó với nền kinh tế Việt Nam. Đụng độ thương mại Mỹ - Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump đã tạo nên chiến lược Trung Quốc + 1. Theo đó, việc đầu tư được chuyển dịch sang một quốc gia khác ngoài Trung Quốc và Việt Nam là một trong những điểm đến của dòng vốn FDI thuộc nhóm này. Nhiều mặt hàng từ Việt Nam đã tăng được thị phần tại thị trường Mỹ để thay thế hàng hoá đến từ Trung Quốc bị áp thuế cao. Tới thời điểm này, chưa có gì đảm bảo kịch bản này có thể lặp lại. Bên cạnh đó, những bước đi tiếp theo của chính quyền ông Donald Trump sẽ còn khó lường hơn 8 năm trước rất nhiều.
Trong bối cảnh này, quan trọng nhất có thể là sự chủ động ứng phó, trên cơ sở các kịch bản được nghiên cứu, xây dựng cẩn trọng và kịp thời. Chính vì vậy, các chuyên gia đều đánh giá rất cao chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về vấn đề này. Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2025, Thủ tướng đã đề nghị các đại biểu tham dự cuộc họp dự báo, phân tích thật sát tình hình tháng 2 và thời gian tới, nhất là những vấn đề mới, như khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới, tác động của nó tới chuỗi cung ứng, các thị trường xuất khẩu của Việt Nam… ra sao để đề ra giải pháp phản ứng nhanh nhạy, kịp thời, không để lỡ thời cơ và giữ đà, giữ nhịp, giữ khí thế đang có để tiếp tục phát triển.
Nhận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng kịch bản và phương án ứng xử khi căng thẳng thương mại leo thang. Giải pháp trọng tâm được xác định vẫn là đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, đa dạng hoá ngành hàng và sản phẩm. Việt Nam có thể tận dụng ưu thế từ 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và gần 70 cơ chế hợp tác song phương với các nước, ngoài các thị trường trọng điểm, truyền thống có thể tiếp cận thêm các thị trường nhỏ, thị trường ngách.
Đối với thị trường Mỹ, theo Bộ Công Thương, quan hệ kinh tế, thương mại của hai nước mang tính chất bổ trợ, không cạnh tranh trực tiếp. Điều này mở ra thêm cơ hội đối thoại, trao đổi để giải quyết các vấn đề tồn tại (nếu có) trong thương mại song phương.
Trong bối cảnh biến động khó lường của địa chính trị - địa kinh tế như hiện nay, ngoại giao nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng càng thể hiện vai trò thiết yếu. Về điểm này, Việt Nam đang có những lợi thế vượt trội. Như một vị doanh nhân - chuyên gia kinh tế từng nhận định, Việt Nam đang khởi xướng một chủ thuyết kinh tế mới là kinh tế hoà bình, dựa trên mối quan hệ ngoại giao cởi mở, thân thiện, làm bạn với tất cả các nước, hướng tới lợi ích của cả hai bên.
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Doãn Hữu Tuệ, chuyên gia kinh tế, dẫn chứng bằng chính trải nghiệm thực tế của mình. Trong năm 2024, ông đã có 2 chuyến công tác tại Ấn Độ để tìm hiểu thị trường. Theo ông, người dân Ấn Độ dành nhiều thiện cảm cho Việt Nam, tạo cơ hội thuận lợi cho hàng hóa Việt thâm nhập thị trường. Nhận thấy tiềm năng này, nhiều doanh nghiệp Việt đã chủ động triển khai chiến lược đưa sản phẩm sang Ấn Độ.
"Từ ví dụ trên, có thể thấy, ngoại giao và kinh tế có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ. Đường lối ngoại giao của Việt Nam sẽ hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu," TS. Tuệ nhấn mạnh.
Trước những biến động khó lường của nền kinh tế, TS. Doãn Hữu Tuệ cho rằng, việc củng cố nội lực là yếu tố then chốt. Ông ví nội lực của nền kinh tế như sức đề kháng của con người trước bệnh tật – một nền kinh tế vững mạnh từ bên trong sẽ giảm thiểu tác động tiêu cực từ bên ngoài, đồng thời gia tăng khả năng tận dụng cơ hội và nâng cao sức chống chịu.
Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được xác định là điểm đột phá để phát triển nền kinh tế, mà như phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tổ chức ngày 11/2/2025, "muốn tăng trưởng thì phải tăng năng suất lao động, trên cơ sở phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao; giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo là đầu tư cho phát triển".
Tại hội nghị này cũng như tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội khóa XV, nhiều giải pháp tháo gỡ thể chế đã được bàn thảo, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng "cơ chế đặc biệt" nhằm quản lý hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ, đồng thời đề xuất các "công cụ đặc biệt" để ngăn chặn vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí... đã được đề cập và thảo luận. Làm được như vậy, nền kinh tế sẽ có sự bứt tốc như kỳ vọng và nội lực của nó sẽ ngày càng được củng cố.
Tuy nhiên, theo TS. Doãn Hữu Tuệ, đây vẫn là những chiến lược dài hạn. Trong ngắn hạn, cần có các giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp – nhân tố cốt lõi của nền kinh tế. Ông nhấn mạnh: "Doanh nghiệp mạnh thì nền kinh tế mới vững. Vì vậy, cần tạo điều kiện để doanh nghiệp phát huy tiềm lực, trưởng thành và trụ vững trước biến động thị trường". Gần đây, ngay trong những ngày đầu năm mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã liên tục có các cuộc gặp, làm việc với các ngân hàng, doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế khác nhau, cho thấy rõ quyết tâm tháo gỡ khó khăn, ủng hộ doanh nghiệp phát triển.
Góp thêm, TS. Doãn Hữu Tuệ cho rằng, trước hết, về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hiện vẫn tồn tại khoảng cách giữa chủ trương và thực tiễn, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận chính sách hỗ trợ. Vì vậy, cần khắc phục điểm nghẽn này bằng cách thiết kế chính sách hướng đích rõ ràng hơn. Theo đó, các doanh nghiệp có dự án sản xuất tốt, có thị trường tiềm năng cần được ưu tiên tiếp cận các ưu đãi, đặc biệt là về vốn.
Hai là, về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển bền vững, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp cần được điều chỉnh theo hướng linh hoạt và hỗ trợ nhiều hơn. Có thể áp dụng thuế suất ưu đãi theo mô hình lũy tiến, trong đó các doanh nghiệp có doanh thu hoặc lợi nhuận thấp sẽ được hưởng mức thuế suất thấp hơn, ví dụ áp dụng mức thuế suất 5-10% cho những doanh nghiệp có mức thu nhập dưới một ngưỡng nhất định. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi thuế cũng nên gắn với mức độ đóng góp của doanh nghiệp vào các lĩnh vực ưu tiên, như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, năng lượng xanh hoặc tạo việc làm. Ngoài ra, chính sách thuế nên đi kèm với các chương trình hỗ trợ tài chính như tín dụng ưu đãi hoặc khấu trừ thuế đối với chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D). Những điều chỉnh này không chỉ giúp doanh nghiệp nhỏ vượt qua thách thức tài chính mà còn thúc đẩy sáng tạo và tăng trưởng dài hạn, góp phần vào sự phát triển kinh tế bền vững.
Ba là, về quan hệ giữa ngân hàng thương mại và doanh nghiệp, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong khi ngân hàng thương mại liên tục báo lãi tăng cao. Để tạo môi trường kinh doanh công bằng, cần có cơ chế để ngân hàng chia sẻ lợi ích theo hướng hài hoà hơn với doanh nghiệp. Đúng như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra, các ngân hàng thương mại cần tiếp tục tiết giảm chi phí, tổ chức lại hoạt động hiệu quả hơn và đặc biệt là hy sinh một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp, tạo sinh kế cho nhân dân. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần có chính sách điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, đảm bảo doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi hơn.
Với những giải pháp đồng bộ từ chính sách đến thực tiễn, TS. Doãn Hữu Tuệ tin rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ không chỉ phát triển bền vững mà còn nâng cao khả năng chống chịu trước các biến động toàn cầu.
Hoàng Hạnh