Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
“Với những nỗ lực cải cách thể chế, trong 10 năm tới, Việt Nam có thể tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao hơn bình quân hằng năm của những năm qua và đến năm 2020, sẽ trở thành nền kinh tế có mức thu nhập trung bình trên thế giới”, ông Phúc nhấn mạnh. Ông cho rằng, vào thời điểm đó, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh tốt hơn, sẽ tham gia nhiều và sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Điểm lại bước tiến của nền kinh tế Việt Nam, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhấn mạnh sau 20 năm thực hiện đường lối Đổi mới, Việt Nam - một trong những nền kinh tế thị trường mới nổi, đã gặt hái được “nhiều thành tựu to lớn hơn bất cứ thời kỳ nào trong quá khứ”, trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm thuộc loại cao trên thế giới, khoảng 7,5%/năm.
Nhờ chính sách đổi mới, Việt Nam từ một nước phải nhập khẩu lượng thực đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng tới 60 lần, từ mức 789 triệu USD năm 1986 lên hơn 48,5 tỷ USD năm 2007. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) liên tiếp lập những kỷ lục mới trong năm 2007 với mức cam kết lần lượt là 21,3 tỷ USD và 5,4 tỷ USD.
Bên cạnh những thành tựu về kinh tế, Việt Nam cũng đã có những tiến bộ nhất định về mặt xã hội như giảm tỷ lệ người nghèo theo tiêu chuẩn quốc tế từ trên 58% xuống còn 29%, hoàn thành trước 5 năm kế hoạch xóa đói giảm nghèo toàn cầu của Liên hợp quốc. Chỉ số phát triển con người của Việt Nam do UNDP công bố đứng ở mức khá cao so với các nước đang phát triển cùng mức thu nhập bình quân đầu người.
Nhận thức rõ những thách thức trước mắt cũng như lâu dài đối với các nền kinh tế mới nổi, cho dù được kế thừa nhiều thành tựu to lớn, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc bày tỏ mong muốn được chia sẻ những kinh nghiệm, ý tưởng, chính sách phát triển kinh tế đa dạng của các nước nhằm đạt được sự thịnh vượng hơn cho mỗi quốc gia cũng như toàn bộ nền kinh tế thế giới./.(TTXVN)