Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 19/10, chia sẻ tại Diễn đàn "Logistics Việt Nam: Chuyển mình phát triển", ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, hoạt động logistics tại Việt Nam có sự tiến bộ vượt bậc và kim ngạch xuất nhập khẩu gia tăng nhanh chóng.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 557,93 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu đạt 282,35 tỷ USD, tăng 17,2%; nhập khẩu đạt 275,58 tỷ USD, tăng 12,8%. Đặc biệt, xuất siêu trong 9 tháng đầu năm đạt 6,77 tỷ USD, có được điều đó là sự đóng góp quan trọng của logistics.
"Nếu so sánh với một số nước trong khu vực như Malaysia, Philippines… năng lực và khả năng của doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu rất mạnh mẽ", ông Chinh khẳng định.
Theo bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu nhờ sự chuyển mình mạnh mẽ của các doanh nghiệp cung cấp và sử dụng dịch vụ logistics.
Tỉ lệ tăng trưởng năm giai đoạn 2022-2030 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đánh giá, Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển dịch vụ logistics.
Ông Chih Cheung, Công ty SLP Việt Nam nhận định, hiện nay Việt Nam đang sở hữu tất cả những lợi thế để thúc đẩy logistics phát triển, bao gồm quốc gia có dân số trẻ, quy mô dân số khoảng 100 triệu người; các chính sách hỗ trợ của Chính phủ ổn định; các hiệp định thương mại sâu rộng với các nước khác; và có xu hướng thuận lợi trong sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
Thị trường logistics Việt Nam đang có sự tham gia của khoảng hơn 5.000 doanh nghiệp. Trong đó, 89% là doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ; 10% là doanh nghiệp liên doanh. Tuy chỉ chiếm 1% nhưng doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đang cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia, với nhiều tên tuổi lớn nhất của ngành logistics toàn cầu.
Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm xuất hiện nhiều dịch vụ phát sinh đặc biệt. Thị trường cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam và thế giới cạnh tranh gay gắt khi thương mại điện tử phát triển vượt bậc với các hình thức dịch vụ logistics tiên tiến như E-logistics, Green logistics… khiến chi phí dịch vụ của doanh nghiệp logistics của Việt Nam còn tương đối cao.
Báo cáo công bố của Agility năm 2021 cho thấy, chi phí logistics của Việt Nam chiếm hơn 20% GDP. Trong khi mức chi phí logistics trung bình trên thế giới chỉ khoảng 11% GDP.
Theo bà Lê Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Thương Mại, Công ty SLP Việt Nam, điểm nghẽn hiện nay về cơ sở hạ tầng từ sân bay, cảng biển, kho bãi... chưa được quy chuẩn, phân tán. Trong đó, hệ thống kho bãi quy hoạch có sự chênh lệch giữa miền Bắc và miền Nam dẫn đến hạn chế trong việc vận chuyển hàng hóa trên cả nước.
Còn ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, muốn đón "sóng" logistics cần lưu ý đến phát triển và sử dụng kho bãi hiệu quả, tăng tốc độ xử lý đơn hàng, giảm chi phí.
Ông Hiếu đánh giá, việc xâm nhập của thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn còn khá thấp, trong 3 năm tới, tăng trưởng của thương mại điện tử của Việt Nam dự báo sẽ tăng lên từ 15-20%, thậm chí là 50%. Vì vậy, vị trí các kho hàng cũng là yếu tố giúp tối ưu hóa việc chuyển hàng đến với khách hàng.
Trên thực tế các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam đang chạy đua đầu tư hiện đại hoá chuỗi cung ứng dịch vụ logistics. Ông Vũ Đức Thịnh, Tổng giám đốc Logistics Lazada Việt Nam cho biết, doanh nghiệp này đã đầu tư rất lớn xây dựng nền tảng logistics 4.0 và xác định logistics trở thành một trong những ưu thế cạnh tranh của Lazada trên thị trường thương mại điện tử.
Băng Tâm