Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu - Ảnh: VGP/Lê Anh
Hội nghị về xây dựng Trung tâm tài chính tại Việt Nam được Bộ Tài chính phối hợp với UBND TPHCM tổ chức ngày 28/3 tại TPHCM - nơi được chọn để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; lãnh đạo một số Uỷ ban của Quốc hội; lãnh đạo bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư.
Theo các chuyên gia, đây là sự chuẩn bị cần thiết cho việc thúc đẩy nhanh quá trình kiến tạo các trung tâm tài chính-một trong những động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế trong giai đoạn tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, Hội nghị này là sự kiện tiếp nối mang tính chuyên sâu sau Hội nghị "Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam" do Bộ Tài chính tổ chức sáng 28/3, nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư và huy động vốn quốc tế; thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Trung tâm tài chính tại Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, tại châu Á-khu vực phát triển năng động nhất thế giới hiện nay đã xuất hiện và hình thành các trung tâm tài chính mới như Mumbai, Kuala Lumpur, Jakarta. Việt Nam, với vị trí địa chính trị quan trọng, kinh tế vĩ mô ổn định và môi trường đầu tư ngày càng cải thiện, đang đứng trước "cơ hội vàng" để tham gia và định vị vai trò, vị trí của mình trong chuỗi trung tâm tài chính toàn cầu.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được phát biểu - Ảnh: VGP/Lê Anh
Cụ thể, Việt Nam được ghi nhận là điểm sáng về tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới. Năm 2024, GDP đạt 7,09%, thuộc nhóm cao nhất khu vực và thế giới; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát dưới 4%; xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục hơn 786 tỷ USD; thu hút FDI hơn 38 tỷ USD thuộc top 15 quốc gia hấp dẫn FDI nhất toàn cầu;...
Việt Nam có một số lợi thế đặc thù để hình thành Trung tâm tài chính, đó là: Vị trí chiến lược quốc tế giữa các con đường hàng hải từ bắc xuống nam, từ đông sang tây, tâm điểm của khu vực Đông Nam Á; múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu, thuận lợi thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch; là một trong những thị trường dẫn đầu về tỉ lệ áp dụng các công nghệ tài chính tương lai.
Trong những năm gần đây, TPHCM được đưa vào xếp hạng trong danh sách chính thức các trung tâm tài chính mới nổi toàn cầu; trong khi đó, TP. Đà Nẵng cũng đang nổi lên là một trung tâm công nghệ-tài chính cấp vùng tiềm năng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, việc xây dựng Trung tâm tài chính không phải là nội dung mới trên thế giới nhưng đối với Việt Nam đây là vấn đề mới và chưa có tiền lệ.
"Với sự chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương, sự hợp tác của cộng đồng quốc tế và các doanh nghiệp, tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ xây dựng thành công trung tâm tài chính hiện đại và đẳng cấp quốc tế, đóng góp vào sự phát triển ổn định và bền vững của khu vực và toàn cầu", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.
Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được cho biết, Trung ương chọn TPHCM để xây dựng trung tâm tài chính là niềm vinh dự lớn, qua đó thu hút dòng vốn lớn, nhằm giúp khẳng định vị thế Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu.
Ông Nguyễn Văn Được cho biết, TPHCM có nhiều lợi thế để trở thành trung tâm tài chính quốc tế với 4 lợi thế lớn:
Một là có nền kinh tế năng động, hội nhập quốc tế sâu rộng, đóng góp khoảng 15,5% GDP cả nước, chiếm hơn 25,3% tổng thu ngân sách quốc gia và gần 11,3% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Hai là trung tâm thương mại, dịch vụ tài chính lớn nhất Việt Nam, sở hữu cơ sở hạ tầng tài chính hiện đại. TPHCM nơi đặt trụ sở của nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và các nhà đầu tư lớn. Thành phố đã có những thiết kế cơ bản cho thị trường tài chính hiện đại như thị trường chứng khoán, thị trường vốn, các trung tâm thanh toán hạ tầng số và các ứng dụng tài chính công nghệ.
Thứ 3 là có vị trí địa chiến lược quan trọng, kết nối với các trung tâm tài chính lớn trong khu vực như Singapore, Thượng Hải, Tokyo.
Cuối cùng, TPHCM có sự quyết tâm chính trị và định hướng chiến lược rõ ràng từ Trung ương đến địa phương.
Chủ tịch UBND TPHCM cũng nhấn mạnh: Thành phố đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ rào cản pháp lý và phát triển hạ tầng số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế-xã hội thiết thực cho thành phố và cả nước, tạo ra sức lan tỏa đến các đô thị lân cận và khu vực, nâng cao năng lực quản lý đô thị, phát triển bền vững và mở rộng hợp tác toàn diện với các đối tác toàn cầu.
Lê Anh