Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trưởng đoàn Việt Nam (bên trái) và Trưởng đoàn EU ký tắt Hiệp định VPA/FLEGT. Ảnh: Tổng cục Lâm nghiệp |
Ngày 11/5/2017, sau 6 năm đàm phán, Trưởng đoàn Việt Nam- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn Việt Nam và Trưởng đoàn EU, bà Astrid Schomaker, Vụ trưởng Vụ Phát triển bền vững toàn cầu, Tổng cục Môi trường của Ủy ban châu Âu, đã ký tắt lời văn của Hiệp định VPA/FLEGT.
Việc ký kết này đánh dấu việc kết thúc chính thức tiến trình đàm phán Hiệp định.
Kể từ thời điểm này, hai bên sẽ tiến hành rà soát pháp lý lời văn hiệp định đã được thỏa thuận, sau đó Hiệp định sẽ được dịch sang các ngôn ngữ chính thức của EU và tiếng Việt.
Trước khi Hiệp định có hiệu lực, mỗi bên sẽ phải hoàn thiện thủ tục ký kết và thông qua phù hợp với các quy trình nội bộ.
Hiệp định VPA/FLEGT sẽ giúp cải thiện quản trị rừng, giải quyết khai thác bất hợp pháp và thúc đẩy thương mại sản phẩm gỗ hợp pháp và thúc đẩy thương mại sản phẩm gỗ hợp pháp được xác nhận từ Việt Nam sang EU và các thị trường khác.
Để triển khai Hiệp định, Việt Nam sẽ xây dựng Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS) để bảo đảm gỗ và các sản phẩm gỗ xuất khẩu có nguồn gốc hợp pháp, bao gồm các hệ thống xác minh gỗ nhập khẩu đã được khai thác và mua bán hợp pháp phù hợp với các quy định có liên quan tại nước khai thác.
Một ủy ban thực thi hỗn hợp (JIC) sẽ giám sát việc thực thi Hiệp định. Trong khi Hiệp định chưa có hiệu lực, hai bên cũng đã thống nhất các yếu tố then chốt cho việc sắp xếp/chuẩn bị quản trị tạm thời và các biện pháp khác để chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định.
Sau khi được thực thi đầy đủ, các lô gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ phải có giấp phép FLEGT chứng minh tính hợp pháp.
Ngoài vô số các lợi ích xã hội, kinh tế và môi trường gắn với việc quản lý rừng tốt hơn tại Việt Nam, việc cấp phép FLEGT cũng sẽ đơn giản hóa giao dịch của thương nhân gỗ do các sản phẩm được cấp phép FLEGT đáp ứng các yêu cầu của Quy chế gỗ của EU - những yêu cầu cấm các sản phẩm gỗ bất hợp pháp tại thị trường EU. Theo đó, các chủ thể của EU có thể đưa ra các sản phẩm gỗ được cấp phép FLEGT vào thị trường EU mà không phải thực hiện trách nhiệm giải trình theo quy định trong quy chế của EU.
Việt Nam là 1 trong 15 quốc gia đàm phán Hiệp định VPA với EU.
Đỗ Hương