Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 10/5, Bệnh viện Trung ương Huế phối hợp với Trung Tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người tổ chức hội nghị "Phát triển mạng lưới tư vấn viên vận động hiến tặng mô, tạng tại khu vực miền Trung".
Hội thảo với sự tham gia của đại diện các bệnh viện khu vực miền Trung- Tây Nguyên nhằm phát triển hệ thống mạng lưới tư vấn, vận động hiến, lấy, ghép tạng từ người cho chết não, góp phần giải quyết bài toán về nguồn tạng cũng như đáp ứng nhu cầu ghép tạng của người bệnh.
Thông tin tại hội thảo cho biết, tính tới thời điểm hiện tại, cả nước có 6/26 bệnh viện ghép tạng đã thực hiện chẩn đoán chết não về hiến tặng mô tạng. Điều này là một trong những lý do khiến tỉ lệ chết não hiến mô, tạng tại Việt Nam rất thấp và không tăng trong hơn 10 năm qua. Vì vậy, triển khai chẩn đoán và hồi sức chết não tại các bệnh viện hiến (bệnh viện chưa ghép tạng) theo mô hình các nước phát triển, là định hướng của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia.
PGS.TS. Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, hiện nay Việt Nam là nước ASEAN duy nhất thực hiện ghép tạng trên 1.000 ca/năm, trong đó tạng từ người hiến chết não chiếm 6%, tạng hiến từ người sống 94%. Nhu cầu ghép tạng rất lớn, tuy nhiên, còn rất ít người đăng ký hiến tặng mô tạng sau chết não.
Bộ Y tế đang vào cuộc rất quyết liệt, cụ thể khi ra các công văn yêu cầu các bệnh viện thành lập hội đồng chẩn đoán chết não. Các bệnh viện phải có đầu mối để báo cáo nguồn hiến tạng lên Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. Khi có số lượng người hiến tạng tiềm năng, Trung tâm phối hợp các Sở Y tế, bệnh viện có biện pháp phù hợp để tư vấn, thuyết phục, tổ chức, hướng dẫn... nhằm đạt kết quả cao nhất là nhiều gia đình ủng hộ, đồng ý để người thân hiến tặng mô tạng khi chết não.
Thời gian qua, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã hỗ trợ các bệnh viện triển khai chẩn đoán chết não, hồi sức và hiến ghép mô tạng, trong đó có Bệnh viện Trung ương Huế.
PGS.TS Đồng Văn Hệ chia sẻ, Bệnh viện Trung ương Huế là điểm sáng trong rất nhiều hoạt động về y tế nói chung và về ghép tạng nói riêng. Hàng năm, bệnh viện có số lượng người ghép tạng đứng thứ 2 ở Việt Nam, tính trung bình, ngày nào bệnh viện cũng triển khai ghép tạng.
Trong việc tham gia mạng lưới hiến ghép mô tạng từ người chết não trên toàn quốc, Bệnh viện Trung ương Huế có các đầu cầu kết nối với các bệnh viện. Mỗi khi có tạng điều phối từ Trung tâm, bệnh viện sẵn sàng trợ giúp cùng các đơn vị khác để lấy tạng cũng như đánh giá về chết não. Kỳ vọng hình mẫu này có thể lan tỏa trên toàn quốc.
GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, hiện nay Bệnh viện đã thực hiện hơn ghép tạng trên 1.800 ca, trong đó gần 1.600 ca ghép thận, 11 ca ghép tim, 1 ca ghép tim phổi, 2 ca ghép gan, 40 ca ghép giác mạc…với tỉ lệ thành công là 100%.
Tuy nhiên, cũng như thực trạng chung của ngành ghép tạng Việt Nam, khó khăn lớn nhất hiện nay của bệnh viện không phải là vấn đề kỹ thuật, mà là do thiếu nguồn mô, tạng để có thể thực hiện được cấy ghép. Ở nhiều nước trên thế giới, khoảng 90% tạng ghép là từ nguồn hiến tặng sau khi chết não, ngưng tim nhưng ở nước ta nguồn tạng ghép vẫn chủ yếu từ người cho sống.
Tại hội thảo, đại biểu đại diện các bệnh viện trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên cho rằng, cần có hướng dẫn cụ thể, thống nhất chung về mặt quản lý để triển khai có hiệu quả việc chẩn đoán chết não và tư vấn cho người dân có mong muốn hiến tặng mô tạng khi chết não.
ThS. Huỳnh Thị Thu Thuỷ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cho hay, bệnh viện rất quan tâm đến vấn đề hiến tặng mô tạng để cứu sống người bệnh. Sau khi cử các bác sĩ tham gia tập huấn tại Huế trở về, bệnh viện đã triển khai tập huấn lại cho toàn bộ cán bộ, nhân viên. Ban Giám đốc bệnh viện cũng chỉ đạo khẩn trương triển khai việc chẩn đoán chết não và tổ tư vấn hiến tặng mô tạng.
"Bệnh viện đang dự thảo xây dựng quy trình chẩn đoán chết não, quy trình đối với người hiến tặng và quy trình lập tổ tư vấn hiến tặng. Hy vọng nhận thức trong cộng đồng ngày càng được nâng cao, xem hiến tạng như một hoạt động phổ biến, đầy tính nhân văn như hiến máu".
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, để tăng nguồn tạng hiến, đối với cộng đồng cần có sự phối hợp đa ngành, tăng cường truyền thông, tổ chức các sự kiện. Đồng thời, đăng ký hiến, trao thẻ đăng ký hiến tạng và thực hiện tri ân, quan tâm đến gia đình người hiến tạng. Các bệnh viện thành lập chi hội vận động hiến mô tạng sau chết não, phát triển mạng lưới tư vấn viên vận động hiến mô tạng.
Còn về pháp luật, chính sách, cần lấy ý kiến rộng rãi, từ các hội chuyên môn, nghề nghiệp cho phù hợp thực tiễn và hội nhập. Ban hành văn bản về quản lý và chuyên môn... cũng như xây dựng cơ chế tài chính, BHYT về chi trả cho cả quá trình vận động hiến tạng sau chết não, lấy, ghép tạng và điều trị sau ghép.
Nhật Anh