Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Rìu tay được phát hiện ở xã An Khê, Gia Lai. |
Nhận xét bước đầu về kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học cho biết: Về tính chất của di tích, các di tích đều có 1 tầng văn hóa, nguyên vẹn, duy nhất tìm thấy hiện vật đá, chưa tìm thấy di cốt người hay di tích động thực vật. Hiện tượng gia công nơi cư trú bằng việc tôn cao nền bằng đá quartz và đá cuội lớn có thể đã diễn ra ở đây.
Đặc trưng kỹ nghệ công cụ đá, làm từ đá cuội, chất liệu quartzite, silic, quartz; kỹ thuật ghè đẽo thô sơ, kích thước lớn, loại hình chính là mũi nhọn tam diện, rìu tay… lập thành "Kỹ nghệ An Khê". Kỹ nghệ này khác với các kỹ nghệ sơ kỳ Đá cũ Núi Đọ (Thanh Hóa) và Xuân Lộc (Đồng Nai).
Về niên đại, dự đoán dựa vào các yếu tố: Các di tích phân bố trên thềm cổ sơ kỳ Cánh tân; công cụ và tectit ở trong tầng văn hóa, trong đó tuổi của tectit được xác định là 77 - 80 vạn năm; các sưu tập công cụ đá giống công cụ sơ kỳ Đá cũ Bách Sắc, Trung Quốc, nơi định tuổi là 80 vạn năm.
Các nhà khảo cổ dự đoán niên đại sơ kỳ Đá cũ An Khê khoảng 80 vạn năm.
Về chủ nhân của di tích An Khê tương ứng với giai đoạn Người vượn đứng thẳng (Homo erectus).
Về giá trị các phát hiện, lần đầu tiên giới khảo cổ học Việt Nam phát hiện di tích sơ kỳ Đá cũ trong tầng văn hóa, nằm cùng tectit có tuổi 77-80 vạn năm. Đây là bước ngoặt trong nhận thức giai đoạn bình minh của lịch sử dân tộc.
Phát hiện này góp thêm bằng chứng về mốc mở đầu cổ nhất hiện biết của lịch sử Việt Nam, qua đó bổ sung vào bản đồ thế giới sự xuất hiện và tiến hóa của loài người trong đó có Việt Nam.
Ý nghĩa di chỉ khảo cổ học An Khê không còn trong phạm vi một quốc gia mà nó là niềm tự hào của các nước Đông Nam Á. Đây là cơ sở để có thể tin rằng cách đây gần 1 triệu năm về trước, loài người đã có mặt ở khu vực Đông Nam Á, trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay.
Được biết, khu vực An Khê là khu vực tập trung nhiều di tích thuộc giai đoạn đá cũ. Trong tương lai Viện Khảo cổ học Việt Nam sẽ triển khai một dự án, vừa kết hợp để hợp tác với Nga trong việc tiếp tục khai quật các di chỉ này, gợi mở khả năng sẽ xây dựng khu vực An Khê thành một trung tâm nghiên cứu về lịch sử văn hóa, tiến hóa của nhân loại.
Theo các nhà khoa học, những kết quả phát hiện ban đầu về di tích khảo cổ học sơ kỳ thời đại đá cũ ở Việt Nam sẽ có giá trị cho việc biên soạn lịch sử quốc gia, xây dựng bản đồ khảo cổ học Tây Nguyên, xây dựng vùng An Khê, Gia Lai là di tích đặc biệt quốc gia.