Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
* Tiếp Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU Giorgio Aliberti, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao những đóng góp, nỗ lực của Đại sứ trong việc tăng cường quan hệ Việt Nam - EU nói chung và giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện EU (EP) nói riêng. Chủ tịch Quốc hội khẳng định Việt Nam rất coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ với Liên minh châu Âu - đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Đại sứ Giorgio Aliberti cảm ơn Chủ tịch Quốc hội đã dành thời gian cho cuộc tiếp, đồng thời cho biết với tình cảm tốt đẹp trước và trong thời gian 4 năm công tác tại Việt Nam, ông sẽ tiếp tục làm hết sức mình để củng cố, tăng cường quan hệ hai bên dù ở bất cứ cương vị nào.
Đại sứ đánh giá cao vai trò của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong việc thúc đẩy quan hệ giữa EU - Việt Nam, nhất là quan hệ Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam đã được tăng cường đáng kể. Bốn năm qua, hai bên đã có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Đại sứ cho rằng, EVFTA là kênh quan trọng, vượt qua khái niệm thương mại đơn thuần, cần được hai bên tận dụng tối đa lợi ích trong tương lai để thúc đẩy quan hệ hợp tác.
Nhất trí với ý kiến đánh giá của Đại sứ, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, mặc dù mới ở giai đoạn đầu thực hiện EVFTA nhưng qua các con số cho thấy tác động tích cực của hiệp định đối với hai bên, nhất là giai đoạn đại COVID-19 và hậu đại dịch, trong bối cảnh thế giới bị đứt gãy các chuỗi cung ứng. Thời gian tới, hai bên cần tiếp tục triển khai hiệu quả hơn, đầy đủ hơn để tận dụng tối đa lợi ích của EVFTA. Theo đó, Việt Nam đang trong quá trình triển khai để có thể sớm phê chuẩn Công ước 87 của ILO. EU sẽ thúc đẩy các thành viên còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).
Chủ tịch Quốc hội cùng Đại sứ nhất trí cho rằng, hợp tác Nghị viện là kênh quan trọng cần được thúc đẩy để góp phần mang hiệu quả trong các lĩnh vực hợp tác giữa EU và Việt Nam. Thời gian tới, hai bên tích cực trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, giao lưu nhân dân để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.
Đánh giá Thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, quan trọng với tương lai của quan hệ EU - Việt Nam, Đại sứ cho biết, Việt Nam là quốc gia thứ 3 sau Nam Phi và Indonesia ký thỏa thuận này với các đối tác quốc tế. Qua đó, khẳng định niềm tin của EU đối với Việt Nam, muốn hiện diện lâu dài và bền vững tại Việt Nam.
Tại cuộc tiếp, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại thời điểm đại dịch COVID-19 cam go, Việt Nam đã nhận được hỗ trợ vaccine của EU, các nước thành viên EU và bạn bè quốc tế, từ đó đã góp phần đưa tỉ lệ bao phủ vaccine trên diện rộng, giúp sớm kiểm soát COVID-19. Chủ tịch Quốc hội trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ chí tình, hiệu quả của EU và các nước thành viên, trong đó có sự đóng góp của Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti.
Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh việc EU đưa ra nhiều chiến lược, sáng kiến tăng cường hợp tác với khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đánh giá các ưu tiên hợp tác của EU phù hợp với các định hướng phát triển kinh tế - xã hội, phát triển bền vững của Việt Nam; khẳng định Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ tăng cường sự hiện diện của EU tại khu vực, phối hợp triển khai Kế hoạch hành động ASEAN - EU giai đoạn 2023 - 2027, giúp EU kết nối với thị trường ASEAN và thúc đẩy đàm phán Hiệp định FTA ASEAN - EU.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ Thẻ vàng IUU trên cơ sở đánh giá tích cực về những nỗ lực thực chất mà Việt Nam đã thực hiện trong lĩnh vực này.
Thông qua Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lời mời lãnh đạo EU, EP sớm thăm chính thức Việt Nam.
* Chiều cùng ngày, tiếp Đại sứ Thụy Sĩ Thomas Gass, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao chuyến thăm chính thức Việt Nam sắp tới của Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ nhân dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; khẳng định, với Việt Nam, Thụy Sĩ luôn là đối tác quan trọng và tin cậy. Thụy Sĩ còn là nơi đặt rất nhiều cơ quan của Liên Hợp Quốc, có vị thế rất quan trọng với thế giới.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, một nội dung quan trọng trong cuộc hội đàm giữa hai Lãnh đạo Cơ quan lập pháp hai nước sắp tới đó là việc thúc đẩy đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối EFTA (bao gồm 4 nước Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstien), trong đó Thuỵ Sĩ đóng vai trò quan trọng trong Khối.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn hai bên sẽ bàn giải pháp để gia tăng thương mại và đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế hai nước không cạnh tranh mà bổ sung cho nhau. Nhất là trong bối cảnh kim ngạch thương mại song phương và đầu tư của doanh nghiệp Thụy Sĩ vào Việt Nam còn khiêm tốn so với tiềm năng của hai bên. Chủ tịch Quốc hội mong Đại sứ Thomas Gass sẽ có thêm các trao đổi với Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội để xây dựng chương trình nghị sự, đặc biệt là cuộc hội đàm giữa hai Lãnh đạo Cơ quan lập pháp hai nước đạt kết quả tốt nhất.
Đại sứ Thomas Gass bày tỏ trân trọng cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của cán bộ Văn phòng Quốc hội Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là trong việc chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ. Khẳng định đây là chuyến thăm đặc biệt quan trọng trong bối cảnh 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, Đại sứ bày tỏ tin tưởng chuyến thăm, việc trao đổi, gặp gỡ giữa hai nhà Lãnh đạo Cơ quan lập pháp hai nước sẽ mang lại kết quả tốt đẹp.
Đại sứ Thomas Gass đồng thời bày tỏ cảm ơn khi đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiều của nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Thụy Sĩ; bày tỏ tin tưởng, chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ tới Việt Nam sẽ thúc đẩy Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với khối EFTA.