Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trên cơ sở đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, cũng như mối quan hệ chiến lược giữa hai quốc gia láng giềng, Việt Nam ủng hộ sáng kiến BRI, với mục đích tăng cường liên kết kinh tế, kết nối khu vực mà các bên đều có lợi; tận dụng các cơ hội hợp tác quốc tế và khu vực. Điều đó hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển bền vững và đường lối đối ngoại của Đảng và nhà nước Việt Nam.
Với đà phát triển hiện nay của quan hệ Việt-Trung, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là cuộc gặp cấp cao mang tính định hướng cho phát triển quan hệ hai nước giai đoạn tới.
Đây còn là dịp Việt Nam và Trung Quốc không ngừng nâng cao nhận thức, hành động phù hợp với tương quan lịch sử mới và lợi ích của nhân dân hai nước.
"Vành đai và Con đường"- từ ý tưởng đến hiện thực
“Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI) do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng đang phát triển thành một cao trào tại Trung Quốc, là biểu hiện rõ nét nhất của nỗ lực Trung Quốc vươn lên, mở rộng ảnh hưởng ra 3 châu lục Á-Âu-Phi và 4 đại dương Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương, Bắc Băng Dương.
Hiện đã có 68 nước đã tham gia BRI bao gồm Mông Cổ, Nga và 5 nước Trung Á, 6 nước SNG, 6 nước Đông Nam Á, 8 nước Nam Á, 18 nước Trung-Đông-Nam Âu, một số nước ngoại vi Kavkaz, 16 nước Tây Á-Bắc Phi-Trung Cận Đông, Australia và New Zealand, chiếm 63% dân số thế giới, 30% GDP và 40% kim ngạch mậu dịch thế giới.
Nguồn tài chính cho BRI dự kiến trước mắt là 1.600 tỷ USD. BRI sẽ tiến hành qua 3 giai đoạn. Giai đoạn I, từ 2013-2016, tạo cơ sở lý luận và vật chất, hình thành nhận thức chung dọc theo BRI, khởi công các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo ra đột phá trong việc xây dựng các khu vực mậu dịch tự do. Giai đoạn II, đến 2024, hình thành cục diện nhất thể hóa, cơ bản hình thành mạng lưới các khu vực mậu dịch tự do tiêu chuẩn cao tại các quốc gia dọc theo BRI, với các con đường chiến lược thông qua biển Baltic và Ấn Độ Dương được vận hành an toàn. Giai đoạn III dự kiến hoàn thành vào năm 2049.
Qua 3 năm thực hiện, con đường tơ lụa trên đất liền (NSR) được thúc đẩy với tiến độ nhanh, bước đầu định hình hệ thống và mạng lưới; trong khi con đường tơ lụa trên biển (MSR) mới bắt đầu bằng một số dự án độc lập tại từng nước ở Đông Nam Á, Đông Phi, Bắc Phi, Biển Đen, Địa Trung Hải, châu Âu và Bắc Cực. Tới tháng 7/2016, tổng vốn đầu tư từ các chương trình BRI song phương và đa phương đã vượt quá 100 tỷ USD.
TS. Nguyễn Ngọc Trường
(Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và phát triển quốc tế)