Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Kết quả kiểm toán ghi nhận doanh thu vận tải hàng không riêng lẻ của Vietjet đạt 53,7 nghìn tỷ đồng, doanh thu hợp nhất 58,3 nghìn tỷ đồng. Tăng trưởng lần lượt là 62% và 45% so với cùng kỳ 2022.
Đáng chú ý, lợi nhuận từ vận tải hàng không trước thuế và hợp nhất đã trở lại tích cực, đạt lần lượt 471 tỷ đồng và 606 tỷ đồng.
Doanh thu phụ trợ và vận chuyển hàng hóa đạt gần 21 nghìn tỷ đồng, tăng so với kết quả báo cáo tự lập và tăng hơn 60% so với năm 2022, đóng góp 39% tổng doanh thu vận chuyển hàng không.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Vietjet đạt hơn 86,9 nghìn tỷ đồng. Chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu của công ty chỉ 2 lần so với mức thông thường trên thế giới từ 3-5 lần. Chỉ số thanh khoản 1,3 lần nằm ở mức tốt trong ngành hàng không.
Số dư tiền và tương đương tiền tại thời điểm 31/12/2023 đạt 5.051 tỷ đồng, gấp hơn 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước, đảm bảo năng lực tài chính cho hãng hàng không.
Vietjet cũng đi đầu trong xếp hạng tín nhiệm theo định hướng của Bộ Tài chính. Công ty đạt xếp hạng tín nhiệm VnBBB-, thuộc nhóm cao nhất trong các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong năm 2023, Vietjet đã đóng góp các khoản thuế, phí trực tiếp và gián tiếp cho ngân sách khoảng 5.200 tỷ đồng.
Tiếp tục duy trì, phát triển mạng bay nội địa và tập trung nguồn lực mở rộng bay quốc tế, trong năm 2023, Vietjet đã khai thác an toàn 133 nghìn chuyến bay, vận chuyển 25,3 triệu lượt hành khách, trong đó hơn 7,6 triệu khách quốc tế, tăng tới 183% so với năm 2022.
Vietjet mở mới 33 đường bay quốc tế và quốc nội, nâng tổng số đường bay lên 125 đường bay, trong đó 80 đường bay quốc tế và 45 đường bay quốc nội.
Có thể kể đến các đường bay TP.HCM - Thượng Hải (Trung Quốc), TP.HCM - Vientiane (Lào), Hà Nội - Siem Reap (Campuchia), Hà Nội – Hongkong (Trung Quốc), Phú Quốc – Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Phú Quốc – Busan (Hàn Quốc), Jakarta, Bali (Indonesia)…
Hãng cũng đang là hãng hàng không khai thác nhiều nhất các đường bay từ Việt Nam tới Ấn Độ và Australia, giúp kết nối giao thương, du lịch với hai quốc gia có những tiềm năng lớn.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Vietjet tiếp tục mở thêm đường bay thẳng kết nối thủ đô Hà Nội với Sydney (Australia), nâng tổng số đường bay kết nối giữa Việt Nam – Australia lên 7 đường bay. Hãng cũng mở đường bay thẳng Hà Nội - Hiroshima (Nhật Bản), TP HCM - Thành Đô (Trung Quốc), mang tới cơ hội du lịch, giao thương thuận tiện giữa các quốc gia.
Trên mạng bay nội địa, Vietjet khai trương đường bay Hà Nội - Điện Biên, góp phần đưa du khách về với điểm lịch sử, nơi làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.
Các chuyến bay của Vietjet đạt hệ số sử dụng ghế bình quân tới 87% và độ tin cậy kỹ thuật 99,72%.
Phát triển bền vững (ESG) tiếp tục sẽ là mục tiêu chiến lược của hãng trong dài hạn, đây cũng là nhân tố quan trọng góp phần vào thành công của Vietjet khi giúp tối ưu nguồn lực, tiết kiệm nhiên liệu và giảm phát thải CO2 với đội tàu bay mới và hiện đại.
Nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác, Vietjet liên tục đầu tư vào đội tàu bay những thế hệ tàu bay mới hiện đại, an toàn, thân thiện môi trường. Tính đến ngày 31/12/2023, đội tàu bay của Vietjet gồm 105 tàu bay, bao gồm tàu bay thân rộng A330s.
Bắt đầu hành trình giảm thải CO2 từ hơn 10 năm trước, đến năm 2023, đội tàu bay của Vietjet đã lớn mạnh, góp phần quan trọng vào thành công của hãng khi tối ưu nguồn lực, tiết kiệm từ 15 – 20% nhiên liệu và đặc biệt là bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, triển khai các hoạt động nghiên cứu phát triển các công nghệ xanh…
Góp phần tăng kim ngạch giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, trong năm 2023, Vietjet đạt thỏa thuận với Boeing về tiếp tục kế hoạch giao nhận 200 tàu bay 737 MAX trong 5 năm tới và các thỏa thuận tài trợ tàu bay với các định chế tài chính nước ngoài lên tới hàng tỷ đô la Mỹ.
Chú trọng công tác an toàn, Vietjet đã tổ chức nhiều hội nghị, khóa đào tạo, diễn tập về an toàn, an ninh như Hội nghị An toàn chất lượng; khoá đào tạo an toàn khai thác mặt đất theo tiêu chuẩn quốc tế ISAGO; diễn tập ứng phó khẩn nguy nhằm chủ động ứng phó, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho hoạt động khai thác bay.
Vietjet tiếp tục được AirlineRatings vinh danh trong nhóm hàng không chi phí thấp an toàn nhất thế giới.
Công ty khai thác dịch vụ mặt đất của Vietjet hoạt động hiệu quả nâng cao chất lượng khai thác dịch vụ mặt đất, giảm chi phí khai thác tại cảng hàng không. Bên cạnh việc chủ động công tác phục vụ mặt đất, Vietjet đã bắt đầu chủ động công tác sửa chữa bảo dưỡng kỹ thuật tàu bay. Năm 2023, Vietjet đã đưa vào hoạt động Trung tâm kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Viêng Chăn (Lào).
Với chiến lược, tầm nhìn xây dựng và phát triển nguồn nhân lực hàng không tiêu chuẩn quốc tế, Học viện Hàng không Vietjet (VJAA) đã trở thành đối tác đào tạo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA).
Trong năm 2023, VJAA đã đào tạo hơn 97 nghìn lượt học viên với 6.300 khoá học; chủ động đào tạo phi công, nhân viên kỹ thuật chuyên ngành (CRS) đáp ứng nhu cầu của kỹ thuật. Học viện cũng đã đưa vào khai thác buồng lái mô phỏng số 3, tiếp tục là Trung tâm đào tạo phi công quốc tế hàng đầu trong khu vực.
Năm 2023 ghi dấu mốc phát triển mới, toàn diện của hãng hàng không với mạng bay quốc tế tầm trung đã mở ra rộng khắp, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vận chuyển trong nước và tiếp tục cho những kế hoạch mở rộng mạng bay quốc tế xa hơn.
Phan Trang