Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Vượt qua thách thức, đoàn kết nỗ lực, đại diện lãnh đạo Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhấn mạnh VIMC đã đạt được kết quả đáng ghi nhận trong 2 lĩnh vực là vận tải biển, cảng biển.
Trong bối cảnh nhiều biến động, rủi ro khó lường của năm 2023, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị VIMC chủ động, sáng tạo dự báo, đề xuất kịp thời để tháo gỡ khó khăn, điều hành sản xuất không bị gián đoạn và phù hợp với thị trường thực tiễn.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng Giám đốc VIMC cho biết, năm 2022, doanh thu hợp nhất ước đạt 15.041 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 3.129 tỷ đồng (vượt 124% so kế hoạch). Trong đó, lợi nhuận khối vận tải biển năm 2022 chiếm tỉ trọng cao nhất, ước đạt 1.869 tỷ đồng. Khối cảng biển ước đạt lợi nhuận 1.550 tỷ đồng.
"Thời điểm 5-7 năm trước, vốn chủ sở hữu VIMC từ âm 7.600 tỷ đồng nay đã đảo chiều dương và hiện đạt hơn 13.800 tỷ đồng. Đời sống người lao động ngày càng được cải thiện với mức lương bình quân năm 2022 là 16,6 triệu đồng/người trong toàn hệ thống", ông Tĩnh thông tin thêm.
Năm 2023, VIMC đưa ra kịch bản điều hành sản xuất kinh doanh bao gồm sản lượng vận tải biển dự kiến 17,7 triệu tấn; sản lượng khối cảng biển 134,7 triệu tấn; doanh thu hợp nhất 13.354 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 2.330 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, mục tiêu của VIMC trong năm nay là hoàn thiện hệ sinh thái với trọng tâm phát triển hệ thống cảng nước sâu làm cơ sở hình thành và phát triển chuỗi dịch vụ cho hàng container và hàng rời; nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư, bảo đảm tiến độ triển khai các dự án đầu tư trọng điểm như: Dự án đầu tư bến 3, 4 Lạch Huyện, dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, dự án cảng Liên Chiểu./.
Minh Ngọc