Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đồng chí Lê Tiến Trường, Ủy viên BCH Đảng bộ Chính phủ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam phát biểu khai mạc Đại hội
Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Lê Tiến Trường, Ủy viên BCH Đảng bộ Chính phủ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có như đại dịch, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chiến tranh thuế quan, biến động thị trường và cạnh tranh quốc tế gay gắt. Tuy nhiên, bằng tinh thần "Đoàn kết - Kiên định - Năng động - Sáng tạo - Đổi mới", Đảng bộ Tập đoàn đã nỗ lực vượt khó, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm kỳ.
Đồng chí Lê Tiến Trường nhận định, từ thực tiễn đó, ba bài học cốt lõi được rút ra: Lãnh đạo phải bằng trí tuệ; Đổi mới liên tục là yêu cầu sống còn; Cán bộ giỏi là yếu tố quyết định. Đại hội lần này sẽ thảo luận, góp ý các văn kiện, xác định phương hướng phát triển, đồng thời lựa chọn nhân sự tiêu biểu, có tư duy đổi mới cho nhiệm kỳ mới.
Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Dệt May Việt Nam nhấn mạnh, bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới với loạt Nghị quyết đột phá của Trung ương, đòi hỏi doanh nghiệp nhà nước như Vinatex phải đổi mới toàn diện, từ quản trị đến cơ cấu hoạt động. Tập thể cán bộ, đảng viên cần tiên phong thúc đẩy sáng tạo, tạo bước phát triển đột phá trong giai đoạn tới.
Ngành dệt may đặt mục tiêu triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất sáng tạo
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã triển khai hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động mạnh. Dù sản xuất phục hồi sau đại dịch nhưng ngành dệt may lần đầu ghi nhận xuất khẩu giảm trên 10% sau 30 năm.
Tuy nhiên, khi thị trường quốc tế dần hồi phục, xuất khẩu đạt 44 tỷ USD, mở rộng sang 104 thị trường, ngành vẫn đối diện nhiều thách thức như tiêu chuẩn môi trường khắt khe, xu hướng xanh - số hóa và cạnh tranh lao động giá rẻ từ các nước khác. Bên cạnh đó, hạ tầng logistics và thiếu hụt nhân lực tiếp tục là rào cản lớn. Trong khó khăn, với sự lãnh đạo sát sao của Đảng ủy Chính phủ và tinh thần đoàn kết, sáng tạo của toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động, Tập đoàn đã hoàn thành và vượt 8/8 chỉ tiêu nhiệm kỳ, trong đó có 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 5 chỉ tiêu hoàn thành, tạo dấu ấn rõ nét và lan tỏa mạnh mẽ.
Trong giai đoạn 2025-2030, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất sáng tạo, ứng dụng công nghệ, giảm phụ thuộc lao động phổ thông. Tập đoàn Dệt May Việt Nam định hướng phát triển bền vững, giữ vai trò hạt nhân ngành dệt may, hướng đến mô hình "một điểm đến cung ứng trọn gói".
Mục tiêu đến 2030 là tăng trưởng hai con số, phát triển bền vững theo kinh tế tuần hoàn, xây dựng thương hiệu xuất khẩu riêng. Chỉ tiêu cụ thể gồm: Tăng doanh thu trên 5%, lợi nhuận 12-15%/năm, thu nhập người lao động tăng vượt CPI 2-3%, giảm phát thải 9-10%, 100% doanh nghiệp đạt chuẩn môi trường.
Giải pháp then chốt gồm: Chuyển đổi số và xanh; đầu tư công nghệ 4.0; tái cơ cấu doanh nghiệp; phát triển thị trường trong và ngoài nước; nâng cao mô hình quản trị; gắn kết phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh mạng; xây dựng văn hóa doanh nghiệp và phát triển nhân lực toàn diện.
Đồng chí Lại Xuân Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy Chính phủ khẳng định, Đại hội lần này là dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển của Tập đoàn Dệt May Việt Nam
Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Lại Xuân Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy Chính phủ khẳng định, Đại hội lần này là dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển của Tập đoàn Dệt May Việt Nam - một trong những đơn vị kinh tế nhà nước có đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn như đại dịch, suy thoái kinh tế toàn cầu, chiến tranh thương mại và biến động địa chính trị, Đảng bộ Tập đoàn đã thể hiện rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực lãnh đạo sáng tạo, quyết liệt và linh hoạt.
Tập đoàn đã hoàn thành và vượt toàn bộ 8/8 chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ III, với nhiều kết quả nổi bật như lợi nhuận tăng trưởng bình quân 31%/năm, tỷ lệ sản phẩm xanh đạt 25%, xuất khẩu mở rộng ra 104 thị trường. Mô hình sản xuất cũng được chuyển đổi mạnh mẽ từ gia công truyền thống sang các phương thức có giá trị gia tăng cao như FOB, ODM và OBM. Việc đầu tư vào các trung tâm nghiên cứu, phát triển sản phẩm xanh, vải chức năng là minh chứng rõ nét cho tư duy chiến lược và khả năng thích ứng xu hướng toàn cầu hóa.
Cùng với đó, công tác xây dựng Đảng được chú trọng, thể hiện qua việc triển khai nghiêm túc các Nghị quyết Trung ương về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, phát huy vai trò hạt nhân chính trị trong doanh nghiệp. Hệ thống tổ chức Đảng đã ban hành hàng trăm văn bản, nghị quyết, kế hoạch và thực hiện hiệu quả công tác tư tưởng, tổ chức, kiểm tra giám sát, tạo nền tảng cho sự ổn định nội bộ và đồng thuận trong toàn hệ thống.
Tuy nhiên, đồng chí cũng chỉ rõ một số tồn tại như sự thiếu chủ động của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, sự phối hợp chưa đồng bộ trong chỉ đạo, công tác phát triển đảng viên trong lực lượng công nhân còn nhiều khó khăn. Những hạn chế này cần được nghiêm túc khắc phục để nâng cao chất lượng tổ chức Đảng và hiệu quả điều hành trong giai đoạn tiếp theo.
Bước vào nhiệm kỳ 2025-2030, khi mô hình tăng trưởng của đất nước đang dịch chuyển theo hướng nhanh và bền vững, với trọng tâm là kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, ngành dệt may càng cần phải chủ động đổi mới mô hình sản xuất, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ và đẩy nhanh chuyển đổi số.
Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam khóa mới ra mắt Đại hội
Đồng chí Lại Xuân Lâm đề nghị Đảng bộ Tập đoàn phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục giữ vai trò đầu tàu của ngành, đồng thời cần chủ động cụ thể hóa các Nghị quyết lớn của Bộ Chính trị, đặc biệt là Nghị quyết 57 về khoa học công nghệ và chuyển đổi số, Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế, Nghị quyết 66 về thể chế pháp luật và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, vào chiến lược phát triển của ngành.
Trong bối cảnh các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP đang mở ra cơ hội nhưng cũng đặt ra áp lực cạnh tranh gay gắt, Tập đoàn cần tận dụng tốt các ưu đãi, nâng cao năng lực nội địa hóa, xây dựng thương hiệu dệt may Việt Nam uy tín, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong quản trị, sản xuất, logistics và chăm sóc khách hàng để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Việc tái cấu trúc theo chuỗi khép kín từ sợi - dệt - nhuộm - may - thương mại cần được hoàn thiện, gắn liền với đầu tư vào các sản phẩm đặc thù, giá trị cao, thân thiện với môi trường.
Đồng chí Lại Xuân Lâm cũng đề nghị Tập đoàn tiếp tục quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng công nghệ và ngoại ngữ cho cán bộ, người lao động. Đồng thời, cần đảm bảo tốt các chế độ an sinh xã hội, cải thiện môi trường làm việc, xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiện đại, nhân văn, đề cao các giá trị kỷ luật, sáng tạo, tôn trọng, hợp tác và phát triển bền vững.
Một điểm nhấn quan trọng trong chỉ đạo là yêu cầu gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng Đảng với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Mỗi nghị quyết của Đảng bộ phải bám sát thực tiễn, gắn với kế hoạch điều hành cụ thể để tạo thành sức mạnh nội sinh trong toàn hệ thống. Tổ chức Đảng cần là trung tâm đoàn kết, lan tỏa trí tuệ và tinh thần đổi mới, làm hạt nhân chính trị trong mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Đại hội Đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025 - 2030 đã bầu ra 23 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn khóa mới. Tại Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chấp hành khóa IV đã bầu 7 đồng chí vào Ban Thường vụ Đảng ủy, theo đó đồng chí Lê Tiến Trường tiếp tục được tín nhiệm giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy Tập đoàn; đồng chí Cao Hữu Hiếu và đồng chí Nguyễn Song Hải giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn. Ban Chấp hành cũng tiến hành bầu Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Tập đoàn gồm 6 đồng chí, theo đó đồng chí Phạm Thị Thanh Tâm, Ủy viên BTV Đảng ủy Tập đoàn, được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Tập đoàn.
Anh Thơ